Lạm phát Mỹ đạt đỉnh 40 năm, giá vàng diễn biến ra sao?
Tại thị trường trong nước, giá vàng hôm nay đồng loạt quay đầu giảm. Trên thị trường thế giới, giá vàng duy trì xu hướng tăng bất chấp đồng USD cao hơn, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ lập đỉnh 40 năm mới.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sáng ngày 13/6, giá vàng trong nước đồng loạt giảm tại các cửa hàng kinh doanh trong khoảng 270.000 - 400.000 đồng/lượng. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Tập đoàn Doji điều chỉnh giá vàng SJC giảm thêm 300.000 đồng/lượng cho cả chiều mua lẫn chiều bán.
Giá mua giảm 300.000 đồng/lượng và giá bán giảm 270.000 đồng/lượng tại doanh nghiệp Phú Quý. Cùng thời điểm khảo sát, vàng SJC được điều chỉnh giảm 400.000 đồng/lượng (mua vào) và giảm 350.000 đồng/lượng (bán ra) tại hệ thống PNJ.
Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 68,60 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 69,37 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa |
Các loại vàng nữ trang khác giảm trong phiên giao dịch sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 70.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco ở 1.866 USD/ounce (tương đương 52,21 triệu đồng/lượng), tăng 2 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,16 triệu đồng/lượng.
Sau 2 tuần giằng co, giá vàng thế giới vượt mốc kháng cự 1.850 USD/ounce. Một số nhà kinh tế cho rằng những chỉ số kinh tế đáng thất vọng và lạm phát "nóng" hơn dự kiến là động lực tăng giá mới cho vàng. Đồng thời, sự kém hấp dẫn trên thị trường chứng khoán cũng cải thiện được sự hấp dẫn, trú ẩn của vàng.
Chuyên gia nói gì về giá vàng tuần này?
Ông Bob Haberkorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: "Vàng đang thể hiện chính xác bản năng vốn có. Các nhà đầu tư một lần nữa tìm đến kim loại quý như một biện pháp phòng ngừa lạm phát".
Tâm lý trên thị trường đang chuyển sang hướng tiêu cực vào thứ sáu tuần trước khi Bộ lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% trong tháng 5, mức kỷ lục trong 40 năm.
"Hiện tượng bán tháo cổ phiếu và cuộc biểu tình trên thị trường vàng cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể làm gì để kiềm chế lạm phát. Trong môi trường này, thứ mọi người muốn là vàng", ông Haberkorn phân tích.
Trưởng bộ phận chiến lược của Ngân hàng Saxo - Ole Hansen cũng cho rằng, giá tiêu dùng ngày càng cao cho thấy sai lầm trong việc điều hành chính sách. Những quyết định trên không chỉ từ Fed mà còn đến từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.
"Một số nhà đầu tư đang chuyển hướng, quay sang ủng hộ vàng nhưng sắp tới, thị trường vẫn phải đối mặt với thách thức lớn là Fed tăng lãi suất", ông Hansen nói.
Đồng quan điểm, ông Bart Melek từ hãng TD Securities dự báo, giá vàng có thể giảm về 1.850 USD/ounce vào tuần tới sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Bóng ma lạm phát và đà tăng lãi suất vẫn là ác mộng của vàng trong ngắn hạn. Còn về dài hạn thì ông tin rằng Fed sẽ phá vỡ các đợt tăng lãi suất truyền thống.
"Câu hỏi lớn nhất hiện nay của giới đầu tư vẫn chỉ là Fed sẽ cam kết thế nào trong việc chế ngự lạm phát. Liệu các đợt tăng lãi suất dồn dập có đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hay không", ông Melek nói.
Colin Cieszynski, Giám đốc và cũng là nhà đầu tư chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management cho rằng, ngoại trừ việc đồng Đô la Mỹ tăng giá, bức tranh về vàng còn rất đáng khích lệ. Lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường đầy biến động, vàng đóng vai trò như một kho lưu trữ giá trị, một "thiên đường" phòng thủ và một "hàng rào" chống lại lạm phát.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo thì cho biết ông vẫn giữ thái độ trung lập với vàng cho đến khi có sự phá vỡ rõ ràng trên mức 1.875 USD/oz. "Hiện tại, các nhà đầu tư không biết thị trường sẽ đi theo hướng nào".
Thu Uyên (Tổng hợp)