Hậu tuyên bố về "tiếng rên xiết" của Chủ tịch TGDĐ: IPhone 14 Pro Max mất giá nhanh nhất trong lịch sử, cuộc chiến sẽ còn khốc liệt đến đâu?
Theo như ghi nhận của chúng tôi, trong chiều ngày 10/05, giá iPhone 14 Pro Max thiết lập mức giá thấp nhất từ trước tới nay, về sát mốc 25 triệu đồng, sau đó đã quay đầu tăng trở lại, giữ mức giá trên 26 triệu đồng trong sáng ngày 11/05/2023. Người tiêu dùng có thể không nghe được "tiếng rên xiết" các đối thủ của TGDĐ nhưng lại có thể chứng kiến một chiếc Iphone mất giá nhanh nhất lịch sử, với đồ thị giá biến động liên tục, lên xuống như chứng khoán.
Có thể nói, iPhone 14 Promax là chiếc iPhone mất giá nhanh nhất trong lịch sử. Khi mới chính thức được mở bán tại Việt Nam vào ngày 14/10/2022, giá của iPhone 14 Pro Max được niêm yết phổ biến ở mức 33,9 triệu đồng.
Đến giai đoạn cao điểm, iPhone 14 Promax còn được nâng lên thêm 2 - 3 triệu đồng. Thậm chí, để có thể sở hữu sớm mẫu máy này, khách hàng còn phải bỏ ra một số tiền chênh lệch khoảng 4 - 6 triệu đồng để mua được hàng ở thị trường thứ cấp.
iPhone 14 Promax chỉ là một trường hợp cụ thể trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt giành thị phần trong bối cảnh thị trường chung suy giảm sau phát biểu "dậy sóng" của Chủ tịch Thế giới Di động - Nguyễn Đức Tài trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.
Ông Tài cho biết trước đây TGDĐ không quá căn ke về chênh lệch giá giữa mình và các đối thủ và đó là “khe hở” để đối thủ kiếm khách hàng.
" Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế Giới Di Động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng ", ông Tài nói.
Tuy nhiên, ông Tài khẳng định sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt và sẽ không để cho chênh lệch giá trở thành điểm lợi dụng của đối thủ.
" Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi" , ông Tài khẳng định.
Với lợi thế "nhiều tiền" và mạng lưới phủ rộng khắp cả nước, TGDĐ có đủ điều kiện để phát động "chiến tranh" và giành lấy thị phần vốn đang suy giảm từ tay các đối thủ.
Tuy nhiên, sẽ chẳng ai chịu ngồi im. Sau tuyên bố của Chủ tịch TGDĐ, CellphoneS - một hệ thống bán lẻ điện thoại, laptop có tiếng khác đã có phản hồi: “ Đối diện với việc cạnh tranh giá, CellphoneS đã đầu tư hệ thống cập nhật giá realtime để chắc chắn luôn chủ động đặt một mức giá thấp hơn so với đối thủ, đủ để khách hàng yên tâm về giá khi chọn CellphoneS ”, đại diện hệ thống này cho biết.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông, đại diện CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), một đối thủ nặng ký của TGDĐ cho biết, về ngắn hạn, khi các bên bán hạ giá thì FRT cũng phải hạ theo, nhưng dài hạn FRT sẽ mở rộng ngành hàng để hạn chế cuộc chiến về giá “vô nghĩa” này.
“Dĩ nhiên trong quá trình thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau", nhưng lâu dài chỉ kéo nhau xuống, chả ăn được của nhau đâu. Cuộc chiến về giá này chúng tôi đánh giá không phải là bài toán hay. Nhưng, ngắn hạn thị trường hạ chúng tôi cũng sẽ hạ để bán được hàng ”, Chủ tịch FRT Nguyễn Bạch Điệp nói.
FPT Shop "nghênh chiến" trên mọi mặt trận, kể cả truyền thông. Bằng chứng là khi MWG phát động chiến dịch “Giá rẻ quá” thì ngay lập tức trong cùng ngày, FPT Shop "đáp" lại bằng khẩu hiệu “Ở đâu “rẻ quá” ở đây RẺ HƠN” hay “ Rẻ hơn cả Rẻ quá”.
Cuộc chiến về giá giữa các nhà bán lẻ trên thị trường sẽ không biết kéo dài đến đâu nhưng có thể thấy việc "trường" vốn với số dư tiền ròng đến cuối quý 1/2023 là hơn 2.500 tỷ đồng và mạng lưới cửa hàng rộng khắp cả nước là một lợi thế lớn của TGDĐ trong cuộc chiến này. Mức giá niêm yết của TGDĐ có sự chênh lệch giữa offline và online tới vài trăm nghìn đồng/sản phẩm, đồng nghĩa với việc có thể cải thiện biên lợi nhuận hơn so với đối thủ nhờ việc mua sắm của các khách hàng offline.
Những chương trình truyền thông giá rẻ của TGDĐ chủ yếu tập trung ở thành phố, đô thị lớn, nhắm vào những khu vực chịu cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, thay vì khu vực nông thôn, nơi TGDĐ vẫn đang ít cạnh tranh hơn.
Đáp lại TGDĐ, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, chẳng có doanh nghiệp nào chịu ngồi im để mất thị phần đã nhiều năm dày công xây dựng, dẫu cho có phải "rên xiết" kéo dài.