Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá vé máy bay Tết 2024 quá đắt, ngành du lịch lo khách quay lưng

Việc các hãng hàng không tung ra bán vé máy bay Tết 2024 với giá quá cao, thậm chí cao hơn giá tour trọn gói đến các nước trong khu vực, khiến doanh nghiệp du lịch lo vắng khách và khách Việt thì “quay xe” đổ ra nước ngoài du lịch.

Giá vé máy bay Tết 2024 quá đắt, ngành du lịch lo khách quay lưng

Vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc dịp Tết giá cao gần gấp đôi với bình thường, theo thống kê của Google. Ảnh: Chụp màn hình

Nhiều du khách Việt “quay xe”

Còn hơn 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Trần Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) rục rịch lên kế hoạch cho kỳ nghỉ dài ngày đầu năm 2024. Đầu năm nay đã lên núi nghỉ dưỡng, sang năm mới cả nhà muốn đổi gió đi biển nhưng khảo sát qua một số chuyến bay đến Đà Nẵng, Phú Quốc… chị Khánh không tìm được vé máy bay hợp lý.

“Biết là vé máy bay dịp lễ Tết sẽ nhỉnh hơn ngày thường, nhưng qua cân nhắc chi phí giữa đi chơi tự túc trong nước với đi tour nước ngoài, nhà mình quyết định đổi sang đi tour Thái Lan trọn gói 5 ngày 4 đêm chưa đến 7 triệu đồng một người, mà không phải lo lắng gì đến chuyện ăn gì, ở đâu, đi lại thế nào”, chị nói.

Đây cũng là lựa chọn của không ít du khách Việt sau khi khảo sát giá cả dịch vụ du lịch dịp nghỉ lễ. Thực trạng này đặt ra bài toán phân chia lợi nhuận giữa ngành Hàng không và Du lịch.

 

Hành khách tìm kiếm vé máy bay giá rẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Ý Yên

Thế khó của hàng không

Phản hồi về câu hỏi liệu giá vé máy bay có đang quá cao, đại diện ngành Hàng không cho rằng, thực tế các đơn vị chưa thể có lãi sau gần 2 năm dịch bệnh được kiểm soát, giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí và đa phần các hãng hàng không vẫn đang lỗ.

Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia, báo lỗ ròng hơn 1.300 tỉ đồng nửa đầu năm và cả năm 2023 có thể lỗ trước thuế 4.500 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Bamboo Airways, Vietravel Airlines cho biết, nửa đầu năm còn lỗ. Riêng Vietjet Air lãi 135 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Đức Biên - Tổng Giám đốc Vietravel Airlines - chia sẻ, mặc dù thị trường quốc tế mở cửa gần như hoàn toàn nhưng các hãng hàng không nội địa của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu leo thang, tỉ giá liên tục thay đổi, điểm nghẽn hạ tầng, tín dụng và các xung đột địa chính trị.

Hạ tầng hàng không nói riêng của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển nên tình trạng quá tải đang gây áp lực cho việc phục hồi và phát triển của ngành. Trong những đợt cao điểm như nghỉ lễ, Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến cho các hãng hàng không có nhiều khách nhưng không thể phục vụ hết công suất.

Ngoài ra, bên cạnh việc các hãng hàng không mở bán theo đúng quy định về giá trần, ông Biên cho rằng, cũng nên cân nhắc đưa vào áp dụng giá sàn dựa trên mô hình hoạt động của từng hãng hàng không để tạo môi trường cạnh tranh bền vững và đảm bảo các quyền lợi của khách hàng.

Ông Vũ Đức Biên cho rằng: “Việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu, đi xe là điều không tưởng. Cũng giống như đi du lịch ở khách sạn 5 sao hay khách sạn bình thường, nên có các mức phí khác nhau phù hợp với túi tiền từng khách hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại được”.

Bài toán đòi hỏi ngành du lịch và hàng không cùng giải

Từng có kinh nghiệm khai thác mảng hàng không, ông Trần Tiến Đạt - CEO Aza Travel - không phủ nhận những khó khăn của các hãng bay. Một phần giá vé máy bay cao cũng là do lệch về cung cầu, tức vào dịp Tết lượng cầu có thể cao đến gấp 10 lần so với ngày thường. Những chuyến bay thường bị lệch đầu, ví dụ chiều từ TPHCM ra phía Bắc thường kín khách, nhưng chuyến bay về lại vắng vẻ.

“Đôi khi điều vô lý là nhiều khi giá vé máy bay tăng hơn gấp đôi so với ngày thường, ví dụ vé Hà Nội - TPHCM vẫn dễ dàng mua vé với giá 1,5 triệu đồng nhưng vào dịp Tết vé có thể tăng đến hơn cả 3 triệu đồng, thậm chí đến 5-6 triệu đồng” - ông chỉ ra điểm bất hợp lý.

Đánh giá nhu cầu đi lại dịp Tết thường tương đối ổn định, ông Đạt đề xuất các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần dự đoán tổng lượng khách là bao nhiêu, có kế hoạch tăng cường chuyến ngay từ đầu để có lượng cung đầy đủ, bù chi phí bán lệch đầu cho ngành hàng không.

CEO Aza Travel đánh giá, nếu có phương án sớm về vận tải hành khách mùa cao điểm, ngành hàng không sẽ tạo môi trường lành mạnh, hành khách không phải mua vé giá quá cao. Không có tình trạng hãng bay ế vé mà công ty du lịch cũng không thể bán nhiều tour hơn vì không có giá tốt ngay từ sớm.

“Từ đó, công ty du lịch kết hợp với hàng không để mua vé máy bay giá cả phải chăng từ sớm, thúc đẩy tour dịp Tết để tránh tình trạng “chảy máu ngoại tệ”, vì khách hàng thấy vé nội địa đắt quá nên chuyển hướng đi nước ngoài” - ông khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết