Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá tiêu hôm nay 18/8/2022: Hồ tiêu bớt áp lực, thị trường vẫn có điểm tích cực

Giá tiêu hôm nay thu mua trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg. Hiện đang là giai đoạn khó khăn của thị trường hồ tiêu nội địa, khi phải chịu tác động kép, từ việc xuất khẩu giảm sút đến dòng vốn luân chuyển qua cà phê.

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay giữ ổn định tại các tỉnh so với cùng thời điểm hôm qua.

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet

Giai đoạn vừa qua, giá tiêu trong nước chịu áp lực từ giá cà phê Robusta tăng cao. Với đà tăng liên tiếp nửa tháng qua đã đưa cà phê nội địa lên mức cao nhất 6 năm qua. Nguyên nhân do thiếu hàng.

Theo các chuyên gia, đầu năm nay nhận định cà phê chững giá, tiêu tăng nên đầu cơ đã gom tiền trữ tiêu. Giai đoạn này, dòng tiền đổ ngược lại, đại lý buộc phải xả bớt tiêu để thanh toán cho những người gửi cà phê chốt giá.

Tuy vậy, sáng qua, sau chuỗi tăng nóng, cà phê thế giới đã giảm mạnh, kéo theo đó giá cà phê trong nước cũng hạ nhiệt. Giá cà phê nội địa dự báo vẫn ở mức cao, nhưng khó còn hàng để luân chuyển vì đã cạn kiệt, và phải chờ vụ thu hoạch mới trong vài tháng tới.

Cà phê hạ nhiệt giảm bớt áp lực lên hồ tiêu. Đại lý không chịu áp lực bán mạnh, thương lái cũng không ép giá nhiều như trước. Chuyên gia đánh giá, đây đang là giai đoạn khó khăn của thị trường hồ tiêu nội địa, khi phải chịu tác động kép, từ việc xuất khẩu giảm sút đến dòng vốn luân chuyển qua cà phê.

Nhìn về mặt tích cực, thị trường điều chỉnh nhẹ, các bước giá giảm rất ngắn. Đã không có những đợt giảm sâu như các năm trước.

Một phần tâm lý nông dân năm nay giữ hàng mạnh, ổn định hơn, không dễ bị "dẫn dắt"; một phần sản lượng hồ tiêu trong nước và toàn cầu đang có xu hướng giảm, kỳ vọng nhu cầu đợt cuối năm và thị trường Trung Quốc giúp thị trường khó có thể giảm sâu.

Trên thị trường thế giới, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/8, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 369 USD/tấn so với ngày 29/7, lên mức 4.061 USD/tấn.

Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 90 USD/ tấn so với ngày 29/7, lên mức 6.352 USD/tấn. Tại Ấn Độ, ngày 7/8, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 8 USD/tấn so với ngày 29/7, lên mức 6.485 USD/tấn.

Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 8/8, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ổn định ở mức 3.750 USD/tấn và 4.000 USD/ tấn so với ngày 29/7.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 143 nghìn tấn, trị giá 640 triệu USD, giảm 21% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, giá tiêu xuất khẩu trung bình trong giai đoạn này vẫn tăng khoảng 37% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.488 USD/tấn.

Giá hạt tiêu thế giới tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 8. Theo đó, tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/8, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 369 USD/tấn so với ngày 29/7, lên mức 4.061 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 7/8, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 8 USD/tấn so với ngày 29/7, lên mức 6.485 USD/tấn.

Giá tiêu đen của Việt Nam trong cùng giai đoạn cũng tăng 500 - 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày 17/8, giá quay đầu giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg còn 69.000 - 72.000 đồng/kg, tuỳ khu vực.

Cục Xuất khẩu cho rằng tốc độ tăng giá của hạt tiêu hồi đầu tháng là không bền vững. Cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, tác động đến thị trường hạt tiêu toàn cầu.

Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng COVID-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Tại khu vực châu Á, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,15 triệu USD, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.

Tại cuộc họp Ban Chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) quý II diễn ra hồi cuối tháng 7, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2 tháng 9 Đăk Lăk nhận định: “Nhìn chung, sản lượng dự kiến không cao hơn năm trước. Nhu cầu chậm lại khiến doanh nghiệp không bán được hàng. Khả năng giá có thể tăng nhưng không mạnh”.

Nhận định về triển vọng giá tiêu từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Tấn Hiên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu cũng cho rằng giá tiêu trong thời gian tới chỉ có thể tăng nhẹ.

"Tại Đăk Nông, mặc dù thời tiết mưa nhiều khiến chuỗi tiêu thưa hạt nhưng tình hình mùa vụ cho thấy dấu hiệu khả quan khi năng suất chuỗi trên trụ có thể tăng. Trong thời gian tới giá chỉ có thể tăng nhẹ", ông Hiên cho biết.

Linh Linh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...