Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: Cơ hội "hốt bạc" dịp cận Tết
Những tháng cận Tết Nguyên đán 2025, bên cạnh việc sắm sửa đồ dùng đón Tết thì nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của người dân cũng tăng cao.
Một salon chăm sóc tóc kín khách những tháng cuối năm. Ảnh: INT |
Vì vậy, đây cũng được xem là thời điểm “vàng” của các ngành dịch vụ như làm móng, tóc, gội đầu, chăm sóc da, spa...
Xếp hàng chờ làm đẹp
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song chị Đặng Thu Thuỷ (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đặt lịch chăm sóc móng tay và da từ sớm. Chị Thuỷ chia sẻ, năm ngoái vì bận rộn công việc, chị đã không đặt lịch trước. Kết quả, ngày 28 Tết, chị Thuỷ đi khắp các cửa hàng chăm sóc móng nhưng không ai nhận làm do đều đã kín lịch.
“May là tôi có một người bạn mở cửa tiệm làm móng. Đáng ra, đến trưa 30 là người bạn này đã đóng cửa hàng song cuối cùng, cô bạn đã nán lại làm nốt cho tôi bộ móng tay được chỉn chu ăn Tết. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi làm mọi thứ sớm lên”, chị Thu Thuỷ kể lại.
Ghi nhận tại nhiều cửa hàng làm đẹp như làm tóc, làm móng, nối mi đã trong tình trạng kín lịch từ sáng đến tối muộn, đa phần khách đều phải gọi điện trước để quán bố trí thời gian phục vụ cho phù hợp, đỡ phải chờ đợi quá lâu. Đồng thời, nhân lực làm việc tại các cửa hàng cũng được tăng lên. Nhiều chủ quán cho biết lượng khách tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Anh Quản Đức Ngọc - chủ salon tóc tại phố Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Vào những ngày thường, salon của anh mở cửa phục vụ khách hàng từ 9 giờ sáng, đóng cửa vào 9 giờ tối. Tuy nhiên, hằng năm, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, lượng khách đến làm tóc tại tiệm thường tăng cao vì vậy anh Ngọc phải mở cửa salon đón khách lúc 7 giờ sáng và sẵn sàng tận tình phục vụ các “thượng đế” tới đêm muộn.
Lý giải về vấn đề này, anh Ngọc cho biết, nhìn chung nghề này thường “đắt khách” nhất vào dịp cuối năm, đặc biệt là những ngày cao điểm giáp Tết. Đối với các dịch vụ uốn, ép tóc với hóa chất, các chị em thường phải đợi khoảng 1, 2 tháng để tóc “nhả” bớt thuốc. Vì vậy khách hàng thường làm từ khá sớm để đến Tết, tóc đạt được độ hoàn hảo nhất. Còn đối với một số dịch vụ khác như nối tóc, nhuộm, cắt tạo kiểu, gội đầu thì càng giáp Tết càng đông khách hơn.
“Có khi khách hàng phải ngồi xếp hàng mới đến lượt làm tóc vì quá tải, có người còn đặt lịch làm tóc từ 6 giờ sáng để tránh đông đúc. Đặc biệt, ngày nào càng rét thì lại càng đông khách, có năm không đủ nhân viên để gội đầu cho khách nên tôi phải tuyển thêm thợ phụ chuyên gội đầu. Vào những ngày này, thợ tóc phải làm việc xuyên trưa, thậm chí không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi”, anh Ngọc chia sẻ.
“Thượng đế” chi mạnh tay
Chị Đặng Thu Thuỷ cho biết, Tết là dịp “xả hơi” sau cả một năm dài làm việc mệt mỏi. Vì vậy chị không tiếc tiền đầu tư chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho bản thân. “Gọi là ‘trùng tu’ cũng không quá lời bởi lúc này đã được nghỉ, tôi sẽ dành thời gian để đi chăm sóc bản thân từ bộ tóc, bộ móng tay, móng chân, nối mi, đi mát-xa thư giãn… Mặc dù biết giá cả dịch vụ dịp giáp Tết tăng cao hơn so với ngày thường nhưng tôi cũng cảm thấy bình thường, chỉ lo ngại nhất là quá tải khách khiến thợ mệt, không chỉn chu khi làm dịch vụ cho mình”, chị Thuỷ cho biết và thông tin, tùy từng phân khúc sẽ có giá cả khác nhau nhưng nhìn chung, giá dịch vụ năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Chị đã chi khoảng 3 triệu đồng để uốn, nhuộm và chăm sóc tóc.
Chị Nguyễn Thùy Linh - chủ cơ sở làm đẹp tại phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) tiết lộ, nhu cầu của khách tăng vọt nên doanh thu những tháng cuối năm của các cửa hàng làm đẹp cũng tăng, theo đà đó thu nhập của nhân viên được cải thiện đáng kể so với những thời điểm khác trong năm. Chị Linh cho hay, nhiều năm làm trong nghề, chị nhận thấy khách hàng ngày càng “chịu chơi”, họ có thể chi vài triệu đồng để làm một bộ móng tay, hàng chục triệu đồng để làm mái tóc ưng ý nhất.
“Nhiều người lo ngại về việc đi làm đẹp dịp này sẽ bị chặt chém, mức phí đắt đỏ. Song thật sự thì việc tăng giá những ngày này là khó tránh khỏi. Bởi thợ làm công ai cũng muốn được nghỉ sớm để về quê ăn Tết, những ngày này tôi phải trả công gấp 3 lần thợ mới chịu ở lại làm việc, phục vụ khách hàng đến tận 30 Tết. Vì vậy, để tránh những sự cố đáng tiếc, tôi cũng thông báo rõ ràng với khách là sẽ thu thêm phụ phí để trả công cho nhân viên. Nhiều khách hàng cũng hiểu và thông cảm, thậm chí họ còn thưởng thêm một chút để động viên thợ vào những ngày này”, chủ cơ sở này cho biết.
Anh Nguyễn Đức Anh (22 tuổi, quê Phú Thọ) – thợ làm tóc tại một salon trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, từ ngày 23 Tết đến hết 29 Tết, cửa hàng thường xuyên đóng cửa sau 12 giờ đêm. Việc làm đẹp luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, tư thế phải đứng và cúi đầu làm việc cả ngày nên thợ tóc thường hay bị đau cổ vai gáy. Đức Anh dự định sẽ làm việc tới trưa 30 Tết mới bắt xe về quê. Đức Anh chia sẻ, thu nhập tuần trước Tết bằng 2 - 3 tháng bình thường nên cho dù mệt nhưng vẫn cố gắng, ra Tết sẽ sắp xếp thời gian nghỉ bù bởi thời điểm tháng Giêng, các dịch vụ làm đẹp sẽ chậm khách hơn.
Anh Quản Đức Ngọc cho biết, những ngày gần Tết, doanh thu của cửa hàng có thể tăng gấp 5 lần so với ngày thường. Theo anh Ngọc, ngày nào vắng thì cũng có ít nhất từ 5 - 7 khách hàng làm dịch vụ hoá chất, doanh thu không dưới 1 triệu đồng/khách. Đối với các dịch vụ như cắt tóc, giá cả sẽ dao động từ 300 – 600 nghìn đồng, còn gội đầu sẽ dao động từ 80 – 150 nghìn đồng. Đặc biệt, đối với các dịch vụ cao cấp, đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian như nối tóc, nhuộm highlight… giá cả có thể lên tới hàng chục triệu đồng.