Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tâm lí nhà vườn trồng thanh long Bình Thuận không bấp bênh như giá cả

Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hiện có hơn 30 ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70.000 lao động.

Hiện nay, tổng diện tích thanh long của tỉnh khoảng 27.649 ha, giảm so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 9.037 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài thanh long vỏ đỏ ruột trắng chiếm diện tích khoảng 80% thì còn lại là nhiều loại thanh long khác như: vỏ đỏ ruột đỏ, vỏ đỏ ruột tím hồng và vỏ vàng ruột trắng.

Một vườn trồng thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn

Một vườn trồng thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn

Từ trước tết Nguyên đán đến nay, phía Trung Quốc mở cửa trở lại nên thương lái đẩy mạnh thu mua thanh long. Điều này dẫn đến giá thanh long tăng cao và ổn định. Tuy nhiên, lượng thanh long không nhiều do trước đó có nhiều đợt giá cả bấp bênh nên nhiều hộ đã bỏ vườn, không tiếp tục sản xuất thanh long nữa.

Một vườn thanh long bị chặt bỏ hồi năm 2022. Ảnh: Duy Tuấn

Một vườn thanh long bị chặt bỏ hồi năm 2022. Ảnh: Duy Tuấn

Với hơn 200 trang trại trồng thanh long có quy mô lớn trên toàn tỉnh, nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ thông minh trong việc tưới tự động và cơ giới hóa trong sản xuất. Ngoài tiêu thụ sản phẩm tươi, hiện nay các doanh nghiệp đã chế biến sản phẩm từ quả thanh long như thanh long sấy, nước ép, rượu vang, kẹo,... được tiêu thụ nội địa.

Thanh long được dùng để trộn gỏi, món ăn rất thu hút du khách ở các resort. Ảnh: Duy Tuấn

Thanh long được dùng để trộn gỏi, món ăn thu hút du khách ở các resort. Ảnh: Duy Tuấn

Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở 2 hình thức: tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nếu như thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng thì còn lại xuất khẩu theo 2 hướng: chính ngạch (khoảng 3%) và còn lại xuất khẩu tiểu ngạch theo hình thức biên mậu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc.

Một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu. Ảnh: Duy Tuấn

Một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu. Ảnh: Duy Tuấn

Việc sản xuất trái thanh long hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như mang tính tự phát, sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến việc tiêu thụ thường bị động, giá bấp bênh và phụ thuộc vào thương lái. Những yêu cầu về kiểm soát chất lượng các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, trong khi người dân sản xuất thanh long vẫn theo phương pháp cũ, chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các thị trường khó tính.

Thanh long chín đỏ trên cành. Ảnh: Duy Tuấn

Thanh long chín đỏ trên cành. Ảnh: Duy Tuấn

“Hiện nay nhà nông chúng tôi còn lo lắng về nghịch lí giá cả vật tư sản xuất thanh long như thuốc men, phân bón khá cao”, ông Lê Mạnh Hùng, người trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân và các sở, ngành tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp như cập nhật tình hình thị trường, thông tin hoạt động xuất nhập khẩu và tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để thông tin kịp thời cho người dân có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Vuốt tai thanh long để trái thanh long đẹp, tai cứng, giá trị cao. Ảnh: Duy Tuấn

Vuốt tai thanh long để trái thanh long đẹp, tai cứng, giá trị cao. Ảnh: Duy Tuấn

Tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản,...

Tuy nhiên về lâu dài, để người dân yên tâm sản xuất thanh long và phát triển bền vững rất cần những chiến lược có tầm nhìn xa hơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất các giải pháp trong thời gian tới như phương án bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ.

Người dân thu hoạch thanh long tại vườn. Ảnh: Duy Tuấn

Người dân thu hoạch thanh long tại vườn. Ảnh: Duy Tuấn

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra còn tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thanh long hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP.

Phát huy vai trò của các hợp tác xã trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Qua đó dần hình thành chuỗi giá trị hàng hóa bền vững từ đầu vào đến đầu ra, ...


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/de-tam-li-nha-vuon-trong-thanh-long-binh-thuan-khong-bap-benh-nhu-gia-ca-1193956.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan