Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sản có hình thù đáng sợ, được ví như “mì chính của nhà giàu” giá lên đến hơn 5 triệu đồng/kg vẫn đắt khách mua

Được xem như thần dược, một 1 kg đặc sản này có giá ước tính gần bằng chỉ vàng.

Sá sùng hay còn gọi là trùn biển, sâu đất, địa sâm… được xem là món đặc sản có giá đắt đỏ của huyện Vân Đồn, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Từ xưa, sá sùng đã được khai thác để làm cống vật cho vua, quan và chỉ những người giàu mới có điều kiện sử dụng.  

photo-1680759885614

Ngoài ở Vân Đồn (Quảng Ninh), sá sùng còn được tìm thấy ở Nha Trang và các vùng biển phía Nam. Ảnh: Internet

Sá sùng có giá cao gần bằng một chỉ vàng 

Theo khảo sát ở các chợ mạng, hiện nay, sá sùng đang được rao bán với mức giá 4,5-5,2 triệu đồng/kg sá sùng khô loại nguyên con. 

photo-1680759892168

Ảnh: Chụp màn hình

Một đơn vị chuyên cung cấp sá sùng khô ở Quảng Ninh cho biết nếu mua loại sá sùng khô gãy để nấu nước dùng, mức giá dao động khoảng 1,6 -2,5 triệu đồng/kg. Nếu lựa chọn loại nguyên con, mức giá được đưa ra là 5,2 triệu đồng/kg.

Ngoài loại khô, khách hàng còn có thể lựa chọn sá sùng tươi đã được làm sạch có giá 650.000 đồng/kg hoặc nước mắm sá sùng 220.000 đồng/lít. 

Hiện, trên một số sàn thương mại điện tử, sá sùng khô cũng được bán ở mức 300.000-400.000 đồng/100g tuỳ từng loại.   

photo-1680759897306

Bạn có thể dễ dàng tìm mua sá sùng khô trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình

Sá sùng là loài động vật thuộc họ thân mềm, không xương, giống như giun đất, có màu nâu đỏ. Trên thân có những vạch ngang nhỏ, bên trong không có nội tạng mà chỉ có một phần ruột nối từ đầu đến đuôi và chỉ chứa cát, thường có chiều dài trung bình từ 5-10cm.

Lý do đặc sản này có mức giá cao gần bằng một chỉ vàng xuất phát từ việc chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Theo Đông Y, sá sùng có tính lạnh, vị mặn, giải nhiệt, cải thiện chức năng tỳ, vị, bổ phổi. Ăn sá sùng giúp cơ thể giải nóng bên trong cơ thể, trị các chứng ra mồ hôi trộm, hay đau nhức răng, ho nhiều…

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu trường đại học Khoa học tự nhiên (TPHCM), thịt sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại axit amin, trong đó có tám loại không thể thay thế rất cần thiết cho con người.

Ngoài ra, sá sùng còn là một trong những loại sinh vật biển giàu taurine (3,2%) và khoáng chất (1,2%). Điều này lý giải vì sao từ xa xưa, sá sùng đã được xếp vào hàng những loại thực phẩm và thuốc có tác dụng bổ dưỡng cao cấp, thậm chí được mệnh danh là "địa sâm" (sâm đất).

photo-1680759902680

Sá sùng khô nguyên con có mức giá khá cao. Ảnh: Internet

Một nguyên nhân khác khiến sá sùng có mức giá cao xuất phát từ việc khó đánh bắt. Muốn bắt sá sùng, người dân phải dậy từ 3-4 giờ sáng vì đây là khoảng thời gian thuỷ triều xuống làm lộ ra các vết tích mà chúng chúng để lại vào đêm hôm trước trong lúc đi kiếm ăn còn sót lại. Để khai thác, người dân cũng phải đào sâu và lâu để tìm được.

Sá sùng được ví như "mì chính" của nhà giàu 

Theo tài liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi đánh bắt, sá sùng được chế biến theo 5 bước: để sá sùng hồi sức, rửa sạch cát, lộn trái sá sùng bằng đũa tre vót nhọn, lại rửa sạch cát, thay nước liên lục; chần qua nước nóng. Sá sùng tươi sơ chế có màu trắng ngà đến hồng nhạt, khi nấu chín có màu trắng. Mọi người thường dùng sá sùng tươi để chế biến thành các món rán, nướng, nấu canh, xào với tỏi tươi hay rang chấm với tương ớt hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. 

photo-1680759907670

Người ta thường nấu canh sá sùng với lá lốt. Ảnh: Internet

Với sá sùng khô, kỹ thuật chế biến tương tự như sá sùng tươi nhưng phải thêm công đoạn sấy khô. Trong chế biến món ăn, sá sùng khô được xem như một loại gia vị lý tưởng có thể thay thế cho mì chính, hạt nêm, nước hầm xương ống để tạo độ ngọt cho nồi canh hay nước dùng. Đặc biệt theo kinh nghiệm của một số đầu bếp, nồi nước phở muốn thêm ngon, có vị ngọt tự nhiên, ngoài xương ống và những gia vị quen thuộc, người ta còn cho thêm một nắm nhỏ sá sùng khô. Với mức giá cao, nhiều người thường ví sá sùng là "mì chính của nhà giàu".

Ngoài các món ăn trên, bạn cũng có thể thưởng thức nước mắm sá sùng. Cũng từ cá, muối ủ chượp khoảng 24 tháng, song người ta kết hợp thêm sá sùng để cho ra loại nước mắm màu cánh gián đậm, hương vị khác biệt so với truyền thống nhờ vị ngọt của sá sùng. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...