Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin bất động sản số 45/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 150/NQ-CP về Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tập trung nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án Luật, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Trong đó, Chính phủ phân công các Bộ chủ trì, phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến pháp luật đất đai; xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2024: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2024: Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, phân công các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ phục vụ tại các kỳ họp thứ 5, 6 của Quốc hội khóa XV.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gỡ khó cho dự án bất động sản

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thưc hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doang nghiệp tại TP Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng.

Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương. Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.

Tổ công tác cũng thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp

Tổ công tác có thể yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Tổ công tác cũng có thể mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Quảng Trị phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định số 2935/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã xác định mục tiêu ưu tiên là phát triển nhà ở có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Cụ thể, trong các loại hình nhà ở đến năm 2025, mục tiêu phát triển nhà ở thương mại là 1.680 - 4.290 căn; nhà ở xã hội với mục tiêu 14.854 - 19.414 căn.

Theo Chương trình phát triển nhà ở vừa được phê duyệt, đến năm 2030, nhà ở xã hội tiếp tục được ưu tiên phát triển với mục tiêu 23.020 - 29.580 căn; nhà ở thương mại với mục tiêu phát triển là 4.790 - 7.950 căn.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045

Dự kiến tổng nhu cầu vốn để phát triển nhà ở đến năm 2025 là 30,4 nghìn tỷ, trong đó vốn doanh nghiệp phát triển nhà ở thương mại là hơn 8 nghìn tỷ đồng, tổng vốn phát triển nhà ở xã hội là hơn 6,7 nghìn tỷ đồng…Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn để phát triển nhà ở đến năm 2030 là 43,4 nghìn tỷ đồng.

Quảng Trị cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 27 m² sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 18,077 - 19,0 nghìn m² sàn; đến năm 2030 là 30,7 m² sàn/người và tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt 21,763 - 23,2 nghìn m² sàn.

Chương trình cũng xác định rõ các nhóm giải pháp thực hiện bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; giải pháp về nguồn vốn và thuế; phát triển thị trường bất động sản; giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư...

Hạ Quyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...