Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân mang tính cách mạng
Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân mang tính cách mạng, sử dụng thorium làm nhiên liệu thay vì uranium.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân muối nóng chảy sử dụng thorium trong nhiều năm. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Bắc Kinh thậm chí đã tạo ra một lò phản ứng nguyên mẫu vào năm 2021.
Theo trang Interesting Engineering, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng và vận hành một nhà máy điện "an toàn hơn, xanh hơn" vào năm 2025 ở sa mạc Gobi, nơi đặt lò phản ứng thử nghiệm nhỏ.
Các nhà máy điện hạt nhân thorium không cần nước để làm mát. Chúng truyền nhiệt và tạo ra điện với sự trợ giúp của muối lỏng. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), thorium cũng dồi dào hơn uranium - nguyên liệu được sử dụng trong các nhà máy hạt nhân thông thường.
An toàn có thể là một trong những chiến thắng lớn nhất. Kapil Kajal của Interesting Engineering viết: “Từ bỏ mô hình làm mát bằng nước, thiết kế này làm giảm đáng kể nguy cơ tan chảy”.
Điện hạt nhân có thể cung cấp năng lượng đáng tin cậy mà không gây ô nhiễm không khí do giữ nhiệt. Hiện có khoảng 440 lò phản ứng ở hơn 30 quốc gia. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, những nhà máy này sản xuất khoảng 9% điện năng của hành tinh.
Phản ứng phân hạch tạo ra chất thải hạt nhân, có thể tồn tại hàng chục năm. Và việc tan chảy, dù hiếm gặp, nhưng có thể là thảm họa.
Nhưng thorium đưa ra một giải pháp thay thế khác mặc dù có những trở ngại cần phải vượt qua. Các chuyên gia Mỹ đã nghiên cứu lò phản ứng thorium vào những năm 1960 nhưng hủy bỏ sau khoảng một thập kỷ.
IAEA cho biết dù khó xử lý và khai thác tốn kém, nhưng nguyên mẫu của Trung Quốc dường như đã mang lại tín hiệu lạc quan.
Tờ SCMP mô tả cách thức hoạt động của quá trình này: Muối nóng chảy mang nhiên liệu thorium đi vào lõi lò phản ứng qua các đường ống để trải qua phản ứng dây chuyền. Sau khi nhiệt độ tăng, nó chảy ra phía bên kia và truyền nhiệt cho muối nóng chảy không có thorium đang lưu thông trong một vòng lặp riêng biệt.
Muối nóng chảy không phóng xạ sau đó sẽ chảy vào nhà máy điện cạnh lò phản ứng để làm quay tuabin.
Theo SCMP, hơn 80% nhiên liệu đã qua sử dụng có thể được tái chế, phần còn lại được "đóng rắn thành thủy tinh" và lưu trữ dưới lòng đất trong sa mạc.
SCMP lưu ý, các mô hình nhỏ gọn có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho tàu và phương tiện quân sự. Đây là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc xây 150 lò phản ứng hạt nhân tiên tiến đến năm 2035. Để so sánh, Mỹ có 93 lò phản ứng.
Cải tiến hạt nhân đáng tin cậy và không tốn kém nói trên có thể loại bỏ phần lớn các loại khí làm nóng lên hành tinh mà các chuyên gia y tế cho rằng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh hen suyễn và thậm chí cả nguy cơ ung thư.