Trung Quốc ‘vô địch thiên hạ’: 223 hãng xe điện tại Mỹ sợ hãi dù đối thủ còn chưa tham chiến, áp thuế 100% khi biết không thể đọ nổi về công nghệ, sản lượng và mức giá
Dù đầu tư hàng chục tỷ USD xây nhà máy ở Mỹ nhưng ngoại trừ Tesla, chưa có thương hiệu nào bất kể là Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể so bì được với xe điện Trung Quốc về quy mô, nguồn cung nguyên liệu, công nghệ, giá bán hay thậm chí là thiết kế.
Điều trớ trêu là những chính sách thuế mới này hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến các thương hiệu xe điện Trung Quốc vì hầu như có rất ít sản phẩm được bán tại thị trường này.
Thế nhưng sự vui mừng và ủng hộ của 223 hãng xe điện tại Mỹ với chính sách thuế mới lại phản ánh nỗi sợ tột độ của ngành công nghiệp từng là niềm tự hào của nền kinh tế số 1 thế giới.
Tờ New York Times (NYT) nhận định Mỹ đang quan ngại sâu sắc đến ngành ô tô nội địa, vốn từng là niềm tự hào của đất nước nhưng đang lép vế trước sự trỗi dậy từ Trung Quốc.
Hàng loạt hãng xe điện như Tesla, GM, Ford, Volkswagen, Hyundai...đã đổ tiền đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nhà máy xe điện lẫn ắc quy ở Mỹ.
Tuy nhiên ngoại trừ Tesla, chưa có thương hiệu nào tại Mỹ, bất kể là Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể so bì được với xe điện Trung Quốc về quy mô, nguồn cung nguyên liệu, công nghệ, giá bán hay thậm chí là thiết kế.
"Trung Quốc đang dư thừa công suất xe điện", Chủ tịch John Bozzella của Liên minh AAI, một cơ quan vận động hành lang cho ngành ô tô ở Mỹ nhận định.
"Họ đang sản xuất quá nhiều xe điện...Khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ bị tổn hại nếu xe điện Trung Quốc được bán với giá thấp hơn thị trường cho người tiêu dùng Mỹ", ông Bozzella bổ sung.
Chính vì vậy rất nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ đã hoan nghênh quyết định của Nhà Trắng về việc áp thuế 100% xe điện từ Trung Quốc khi cho rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ USD đầu tư vào nhà máy xe điện và ắc quy ở nơi đây.
"Động thái này là một phản ứng cần thiết để chống lại các hoạt động thương mại từ Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho tương lai ngành ô tô Mỹ", thượng nghị sĩ Gary Peters bang Michigan tuyên bố.
Thế nhưng những biện pháp mạnh tay này diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ nhập khẩu một vài sản phẩm xe điện hoặc ô tô xăng từ Trung Quốc, phần lớn là do thuê ngoài sản xuất. Ví dụ như Polrstar 2 là một chiếc xe điện được sản xuất ở Trung Quốc nhưng mang thương hiệu Thụy Điển.
Trong quý I/2024, Polestar chỉ bán được 2.200 chiếc xe ở Mỹ nhưng ngay cả vậy thì hãng cũng đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang nhà máy ở Nam Carolina. Thế nhưng nhà máy này cũng do Volvo Cars, một thương hiệu do hãng Geely-Trung Quốc sở hữu.
Hiện Volvo đang bán mẫu xe Hybrid S90 Recharge do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ và đang có kế hoạch nhập khẩu xe điện thể thao đa dụng cỡ nhỏ EX30 vào đây với giá khởi điểm 35.000 USD, biến đây thành sản phẩm ô tô điện rẻ nhất nước.
Tại Châu Âu, EX30 đang là mẫu xe bán chạy nhất khu vực. Tuy nhiên việc Mỹ nâng thuế đang khiến Volvo phải đánh giá lại tình hình kế hoạch.
Vô địch thiên hạ
Vị thế "vô địch thiên hạ" của Trung Quốc trong mảng xe điện là không cần bàn cãi.
Hiện CATL đang là nhà sản xuất ắc quy điện Trung Quốc lớn nhất thế giới. Hãng đã cho ra mắt dòng pin giúp xe điện chạy 1km trên mỗi phút sạc, tương đương 600km cho 10 phút sạc nhanh.
Giá thành của những dòng xe có chế độ sạc nhanh cũng không hề rẻ, thường bình quân vào khoảng 54.830 USD tùy chủng loại. Trong khi sản phẩm của CATL được cho là sẽ phá vỡ thị trường nhằm tạo nên thế độc quyền với dòng pin công nghệ cao giá rẻ.
Cho đến hiện nay, ắc quy vẫn chiếm đến 40% tổng chi phí sản xuất một chiếc xe điện trên thị trường.
Chính sự dẫn đầu của Trung Quốc về xe điện, vốn được coi là trọng tâm trong tương lai của ngành ô tô, đã làm dấy lên lo ngại rằng các hãng xe Mỹ sẽ không thể đối đầu được với dòng lũ sản phẩm giá rẻ, công nghệ cao đến từ bên kia Thái Bình Dương.
Ví dụ điển hình là BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc có thể bán một chiếc Seagull với giá chưa đến 15.000 USD, rẻ hơn bất kỳ chiếc xe nào ở Mỹ dù chưa hề tham chiến tại thị trường này. Với mức giá như vậy, không một thương hiệu nào tại Mỹ, cho dù đến từ Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể cạnh tranh nổi.
Thậm chí tại Châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đang tiến hành cuộc điều tra với xe điện Trung Quốc vì lo ngại ngành ô tô địa phương sẽ phá sản trước dòng lũ sản phẩm giá rẻ.
Ngay cả với Tesla, hãng xe điện lớn nhất thế giới cũng đã phải liên tục giảm 20% giá thành nhiều mẫu xe nhưng vẫn đang phải vật lộn vì doanh số giảm trước cơn bão xe điện Trung Quốc.
Theo NYT, nếu ngay cả đế chế nhà Elon Musk còn đang gặp khó khăn thì những thương hiệu truyền thống của Mỹ như GM hay Ford chắc chắn sẽ không sống nổi nếu đối đầu trực tiếp Trung Quốc.
Tính trong quý I/2024, mảng xe điện của Ford đã lỗ ròng 1,3 tỷ USD. Cả GM và Ford hiện đều đang tạm hoãn quá trình phát triển xe điện để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuyển sang dòng xe Hybrid.
Trớ trêu thay, Trung Quốc lại không phải trở ngại lớn nhất trên con đường làm xe điện của Mỹ. Sự hào hứng của người dân nước này với xe điện đã giảm dần do giá cao và tổng thể chi phí không hợp lý so với xe xăng hoặc ô tô Hybrid. Đó là chưa kể đến vấn đề quy mô trạm sạc, khả năng vận hành đường dài trong thời tiết khó khăn hay địa hình hiểm trở.
Số liệu của Kelley Blue Book cho thấy chỉ có 269.000 chiếc xe điện được bán tại Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay, mức tăng khiêm tốn 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Để so sánh, tổng doanh số bán ô tô xăng và xe tải nhẹ ở Mỹ đã tăng hơn 5% lên 3,8 triệu chiếc cùng kỳ.
Rõ ràng, ngành xe điện Mỹ đang gặp quá nhiều thách thức và việc sợ hãi trước ông lớn Trung Quốc là điều dễ hiểu.
*Nguồn: NYT