Pin nước Thụy Sĩ cung cấp điện cho 900.000 gia đình đi vào hoạt động
Công trình pin nước dưới lòng đất của Nhà máy thủy điện Nant de Drance ở Thụy Sĩ vừa đi vào hoạt động có thể cung cấp điện cho tới 900.000 ngôi nhà.
Theo tờ Independent, dự án pin nước khổng lồ trị giá 2 tỷ euro nằm ở độ sâu 600 mét bên dưới dãy Alps (Thụy Sĩ) đã hoàn thành sau 14 năm xây dựng, có dung tích đến 25 triệu m3, đủ lớn để cung cấp điện cho 900.000 hộ gia đình cùng một lúc.
Với công suất lưu trữ lên đến 20 triệu kWh tương đương 400.000 ắc quy xe hơi, loại pin này có thể tích trữ năng lượng sản xuất dư thừa từ các nguồn tái tạo để sử dụng trong tương lai, do đó giúp ổn định lưới điện quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.
Hai bể chứa Emosson và Emosson Vieux trong hệ thống pin nước
Cơ chế hoạt động của pin là dùng tương tác dòng nước giữa hai bể chứa riêng biệt nằm ở độ cao khác nhau. Khi sản xuất điện tăng cao, điện dư thừa được sử dụng để chuyển nước từ bể thấp hơn lên bể cao hơn. Khi nhu cầu điện tăng, nước ở độ cao lớn hơn được giải phóng. Nước đổ xuống bể thấp hơn, chảy qua turbine sản xuất điện giúp cung cấp điện trong mạng lưới.
Nhà máy có 6 tuabin để đưa nước từ bể chứa Emosson lên bể chứa cao hơn Emosson Vieux trong trường hợp sản xuất thừa điện.
Thông cáo báo chí của nhà máy nêu rõ: “Đối mặt với thực trạng gia tăng khai thác năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời vốn không thể tạo ra điện liên tục, cần một phương án tích trữ năng lượng linh hoạt khác trong lưới điện để duy trì sự cân bằng giữa lượng sản xuất và tiêu thụ”.
Pin nước đã trở thành một phương pháp dự trữ điện phổ biến trên thế giới. Số liệu từ Văn phòng Hiệu quả Năng lượng và Năng lượng tái tạo Hoa Kỳ (EERE) chỉ ra rằng 93% lưu trữ năng lượng của nước này đến từ thủy điện tích năng.
Theo baotintuc.vn