Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước EU bị coi là mối nguy an ninh vì lập trường hướng Nga

Với nhiều quan điểm đối lập với các thành viên EU về vấn đề Ukraina hay trừng phạt Nga, Hungary bị Ngoại trưởng Estonia coi là mối nguy an ninh của khối.

Nước EU bị coi là mối nguy an ninh vì lập trường hướng Nga

Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ lâu chỉ trích cách tiếp cận xung đột Ukraina của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Xinhua

RT đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần tước quyền bỏ phiếu của Hungary để đảm bảo các lệnh trừng phạt đối với Nga tiếp tục có hiệu lực, trong bối cảnh Budapest ủng hộ giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraina và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm vào Mátxcơva.

Trả lời phỏng vấn tờ Rheinische Post (Đức), ông Tsahkna cáo buộc Hungary đang quay lưng với châu Âu và ngả theo lập trường của Nga.

Nhà ngoại giao Estonia cảnh báo Budapest có thể trở thành chướng ngại cho một số quyết định quan trọng liên quan đến chính sách của EU đối với Nga trong thời gian tới, do các quyết sách này yêu cầu sự đồng thuận tuyệt đối từ toàn bộ các nước thành viên.

Theo ông Tsahkna, nếu Hungary phủ quyết trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 6, các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ tự động hết hiệu lực, buộc EU phải bàn giao khối tài sản bị đóng băng trị giá hàng trăm tỉ USD cho Nga. Ông cho rằng điều này sẽ khiến các nước thành viên phải dùng tiền thuế của người dân để tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina.

RT cho biết hiện có khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga bị đóng băng kể từ khi xung đột Ukraina bùng phát vào tháng 2.2022, trong đó 213 tỉ USD đang được giữ tại Euroclear - một tổ chức thanh toán có trụ sở tại Brussels (Bỉ). Lãi suất phát sinh từ khối tài sản này đã lên đến hàng tỉ USD, riêng Euroclear đã chuyển 1,63 tỉ USD cho Kiev vào tháng 7.2024.

Ngoại trưởng Estonia viện dẫn Điều 7 của Hiệp ước EU, cho phép tước quyền bỏ phiếu của một quốc gia thành viên nếu quốc gia đó bị cho là gây nguy hại đến an ninh chung của khối và các nước thành viên. Ông Tsahkna khẳng định: “Đó chính xác là những gì Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang làm”.

Bất chấp sự phản đối nhiều lần của Bỉ - nước chủ nhà của Euroclear - đối với đề xuất tịch thu tài sản đóng băng của Nga vì lo ngại đây là “hành động chiến tranh”, ông Tsahkna vẫn nhắc lại ý tưởng này trong cuộc họp báo ngày 5.4. Ông cũng tiết lộ, có một cơ sở pháp lý để thực hiện việc này, song không nói rõ chi tiết.

Trước đó, ngày 1.4, một số quốc gia EU đã ra tuyên bố chung, thống nhất tiếp tục giữ nguyên các tài sản bị đóng băng của Nga cho đến khi xung đột kết thúc hoàn toàn. Tuy nhiên, họ vẫn kêu gọi các thành viên gia tăng sức ép lên Mátxcơva bằng “mọi công cụ hiện có”, bao gồm cả việc mở rộng các lệnh trừng phạt.

Nga đã nhiều lần cảnh báo, mọi động thái nhằm sử dụng các tài sản bị đóng băng của họ đều sẽ bị coi là hành vi chiếm đoạt và có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Đây được xem là lời cảnh báo nhằm vào các khoản đầu tư của phương Tây đang hiện diện tại Nga.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...