Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NATO với định hướng mới

Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 vừa tổ chức ở Washington D.C do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử liên minh quân sự này.

NATO với định hướng mới

Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 ở Washington, D.C. Ảnh: Xinhua

Ở đó, NATO không những chỉ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập mà còn đưa ra những định hướng chính sách và chiến lược mới đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của NATO và chi phối hoạt động của NATO trong thời gian tới cũng như trong tương lai lâu dài.

Những kết quả của sự kiện được thể hiện trong bản tuyên bố chung phản ánh sự đồng thuận quan điểm không hẳn hoàn toàn nhưng cũng rất cơ bản và sâu rộng giữa 32 thành viên NATO. Chỉ có Thủ tướng Hungary Viktor Orban thể hiện không hài lòng cho lắm với NATO.

Ba vấn đề lớn đặt ra cho NATO ở hội nghị này là chuyện xung đột Nga - Ukraina, chuyện đối đầu Nga và chuyện đối phó Trung Quốc.

Về Ukraina, NATO cụ thể hóa kế hoạch trợ giúp Ukraina về quân sự trong thời gian tới để Ukraina có thể tiếp tục chiến đấu với Nga. NATO cam kết viện trợ quân sự 43 tỉ USD cho Ukraina, cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không và máy bay F-16 cho Ukraina và đặc biệt là đưa ra cam kết chắc chắn rằng Ukraina rồi sẽ được gia nhập NATO. Qua đó, NATO cũng còn thể hiện quyết tâm tiếp tục đối địch không khoan nhượng với Nga.

Liên quan đến việc đối đầu Nga, NATO không quyết định nhưng định hướng đối đầu Nga của NATO được hậu thuẫn và bổ sung mạnh mẽ bởi quyết định của Mỹ và Đức lại triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ Đức - lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh đến nay. Người ngoài có thể thấy chủ định trọng tâm của NATO ở hội nghị năm nay là nhằm tới vai trò quyết định nhất trong việc giải quyết các vấn đề chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu, cũng như trong việc định hình các cấu trúc chính trị an ninh chung cho châu Âu ở thời hậu xung đột Nga - Ukraina. Những toan tính chính hiện tại của NATO để đạt được mục tiêu này là tiếp tục cuộc chiến để buộc Nga phải thua ở Ukraina, tăng cường vũ trang để cảnh báo và răn đe Nga, buộc Nga phải quy phục vào trật tự chính trị an ninh ở châu Âu do NATO áp đặt, chứ NATO không chủ trương thúc đẩy tiến tới nhanh chóng đạt được giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraina.

Lần thứ 3 liên tiếp, NATO mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tham dự hội nghị thượng đỉnh. Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với NATO. Ẩn số lớn nhất đối với NATO là Mỹ - thực chất ở đây là ai sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan