Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Na Uy: 10 năm chuyển mình từ số 0 đến quốc gia sử dụng xe điện bình quân đầu người cao nhất thế giới

Tại sao một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, kiếm lợi lớn từ khai thác dầu lại hứng thú với xe điện đến vậy?

Những quốc gia Bắc Âu như Na Uy thường được nhớ đến là thiên đường hạnh phúc khi các chỉ số thỏa mãn của người dân đều được xếp hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, Na Uy còn đứng đầu thế giới về 1 thứ mà cả Mỹ và Trung Quốc đều khao khát: Xe điện (EV- Electric Vehicle).

Dù không phải cường quốc sản xuất xe điện nhưng tổng doanh số bán EV tại Na Uy chiếm đến gần 65% tổng số xe hơi bán mới tại nước này năm 2021, tăng 50% so với năm 2020. Đó là chưa kể 22% số xe mới bán ra là loại ô tô chạy song song cả điện và xăng, nghĩa là chỉ còn 14% số xe mới bán ra năm 2021 của Na Uy là thuần túy chạy xăng.

 
Doanh số bán EV trong tổng số bán xe mới năm 2021 tại Na Uy và trên thế giới năm 2020

Thậm chí vào tháng 12/2021, khoảng 86,2% số xe mới bán ra là xe điện, qua đó cho mức độ phổ biến của EV tại đất nước này. Bình quân cứ mỗi 19 người Na Uy thì có 1 công dân sử dụng xe điện, tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là Na Uy chỉ mất 10 năm để nâng tỷ lệ này từ 1% lên gần 65%, khiến người dân có thể mua mọi loại hình, thương hiệu xe điện trên toàn quốc. Thậm chí nhiều chuyên gia dự đoán con số này sẽ đạt tới 80% trong thời gian tới, qua đó khẳng định vị thế quốc gia "xe điện hoá" số 1 thế giới.

Mặc dù tổng doanh số bán xe điện có thể không bằng Trung Quốc hay Mỹ vì ít dân hơn, thế nhưng tỷ lệ xe điện bình quân đầu người tại Na Uy lại đứng đầu thế giới. Vậy quốc gia Bắc Âu này đã làm thế nào?

10 năm chuyển mình

Cách đây 10 năm, ô tô chạy dầu diesel còn chiếm tới 75% doanh số bán xe mới, thế nhưng con số này giờ đây chỉ còn 2,3% vào tháng 9/2021, còn lại là EV và xe chạy xăng. Tờ The Guadian nhận định Na Uy là một quốc gia nhỏ chỉ với 5,5 triệu người và việc chuyển đổi xe điện có vẻ dễ dàng hơn so với những quốc gia khác như Trung Quốc (1,4 tỷ người) hay Mỹ (330 triệu người).

Xin được nhắc là Na Uy có dự trữ dầu mỏ rất lớn và nhờ nguồn tiền từ tài nguyên này mà họ xây dựng được quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với 1,2 nghìn tỷ USD, qua đó có tài chính để đầu tư cho hàng loạt các dự án công nghệ. Cũng nhờ sự giàu có này mà hàng năm, Na Uy có thể chấp nhận mất 2,3 tỷ USD tiền miễn thuế cho EV mà không hề nuối tiếc.

Với sự giàu có của mình, rất dễ hiểu khi người dân có điều kiện để quan tâm hơn đến môi trường. Ngay từ thập niên 1990, chiến dịch cổ vũ dùng EV đã bùng lên ở Na Uy khi các nhà hoạt động môi trường cũng như người nổi tiếng đi xe điện diễu hành qua nhiều sự kiện.

Na Uy: 10 năm chuyển mình từ số 0 đến quốc gia sử dụng xe điện bình quân đầu người cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Dẫu vậy, tờ Time cho rằng nguyên nhân chính không nằm ở việc người dân Na Uy yêu chuộng môi trường hơn hay có thu nhập khả dụng tốt hơn để mua xe điện. Trên thực tế, chính những quy định của chính phủ đã khiến xe điện phổ cập rộng rãi ở Na Uy chỉ trong 10 năm.

Cụ thể, chính phủ Na Uy đánh thuế bảo vệ môi trường rất lớn với những ô tô chạy xăng truyền thống nhưng lại miễn trừ với EV. Dòng xe điện còn được giảm 25% thuế VAT, qua đó khiến chi phí mua và sử dụng xe điện cạnh tranh hơn so với ô tô chạy xăng. Đó là chưa kể đến chi phí sạc điện, thay ắc quy rẻ hơn so với việc bơm xăng liên tục.

Trong hàng thập niên trở lại đây, thuế tiêu thụ xe hơi tại Na Uy vô cùng cao so với nhiều nước khác và việc xe điện được giảm thuế đã kích thích người dân tiêu thụ.

Thêm vào đó, địa hình nhiều tuyết, đồi núi và đường quanh co khiến giao thông tại đây khó lòng tăng tốc phóng hết cỡ như ở Mỹ hay Trung Quốc. Bởi vậy, xe điện lại trở thành phương tiện khá thích hợp khi di chuyển tại Na Uy và không hề mất lợi thế so với ô tô chạy xăng truyền thống.

Một nguyên nhân nữa khiến xe điện có lợi thế tại Na Uy hơn là đường nhiều dốc. Ô tô chạy xăng thường phải đạp phanh khi xuống dốc gây tốn điện, nhưng những chiếc EV lại thu hồi được một phần năng lượng chuyển thành điện để dự trữ trong ắc quy.

Có thể nói xe điện đã trở thành một phần không thể thiếu tại Na Uy. Kể từ năm 1997, Na Uy cho phép EV được miễn phí lệ phí cầu đường. Năm 1999, EV được đỗ xe miễn phí và đến năm 2005 là được phép di chuyển vào cả làn xe buýt. Dù sự phổ biến của xe điện khiến ngày nay chỉ còn vài thành phố áp dụng các quy định trên nhưng không thể phủ nhận EV đang nhận được vô số những ưu đãi mà ô tô chạy xăng có mơ tới cũng chẳng được.

Na Uy: 10 năm chuyển mình từ số 0 đến quốc gia sử dụng xe điện bình quân đầu người cao nhất thế giới - Ảnh 3.

Địa hình tại Na Uy khiến xe điện trở nên cạnh tranh hơn so với xe xăng

Thậm chí, quốc hội Na Uy còn đặt tham vọng tất cả xe mới bán ra sẽ phải đạt tiêu chuẩn 0% khí thải nhà kính vào năm 2025. Với quyết tâm này, nhiều khả năng Na Uy sẽ cấm ô tô chạy xăng và đây là một tin vui với những nhà sản xuất xe điện nổi tiếng như Tesla của tỷ phú Elon Musk.

Không cần nghĩ

Hiện nay, Na Uy có khoảng 16.000 trạm sạc xe điện với 3.300 trạm sạc nhanh. Có thể nói nếu mua ô tô ở Na Uy thì việc lựa chọn xe điện thay vì xe xăng là điều không cần phải nghĩ. Minh chứng rõ ràng nhất là tính đến tháng 9/2021, 91,5% số xe hơi đăng ký tại Na Uy là EV hoặc chạy nửa xăng nửa điện.

Không riêng gì Na Uy, hàng loạt quốc gia cũng đang chạy đua để "xe điện hoá" thị trường. Iceland đã đạt 50% doanh số bán xe mới là EV trong năm 2021. Tỷ lệ này là 32% tại Thụy Điển, 25% tại Hà Lan, 18% ở Phần Lan. Trong khi Na Uy hướng tới 0% xe chạy xăng năm 2025 thì Anh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 làm đạt được điều này.

Thậm chí nhiều nước dù đi sau nhưng có tốc độ phủ sóng khá nhanh, qua đó phả hơi nóng lên Na Uy cũng như các cường quốc xe điện như Mỹ hay Trung Quốc. Trong khi Na Uy mất 2,5 năm để đưa tỷ lệ EV trong doanh số bán xe mới từ 2% lên 10% thì Anh lại chỉ mất 1,5 năm, Đức là 1 năm.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng công 1.200 tỷ USD, trong đó bao gồm 7,5 tỷ USD xây dựng mạng lưới sạc điện trên toàn quốc. Rõ ràng, xe điện đang là xu thế mới và hàng loạt quốc gia đang đua nhau phát triển nhằm tránh bị bỏ lại trong trào lưu này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...