Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ vừa cấp vũ khí vừa muốn Ukraina đàm phán với Nga

Mỹ một mặt vừa cung cấp vũ khí, mặt khác muốn Ukraina kết thúc chiến sự bằng cách đàm phán ngoại giao với Nga.

Mỹ vừa cấp vũ khí vừa muốn Ukraina đàm phán với Nga

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: AFP

Khi các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraina phải có giải pháp ngoại giao, thì các phương tiện truyền thông thân cận với tình báo Mỹ hôm 16.6 cảnh báo về quan điểm cứng rắn của Kiev trong bối cảnh tình hình chiến trường đang xấu đi. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi toàn thắng.

Ngày 16.6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục giúp Ukraina ở mức độ tối đa có thể, đầu tiên là trên chiến trường, và sau đó, cuối cùng là trên bàn đàm phán.

“Chúng tôi nghĩ rằng cuộc xung đột phải kết thúc bằng ngoại giao” - RT dẫn lời ông Sullivan phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) - nhóm vận động hành lang thân Đảng Dân chủ, có trụ sở tại Washington D.C.

CNAS được tài trợ bởi những công ty như Northrop Grumman và Raytheon, những công ty này đang tạo ra doanh thu khổng lồ từ việc cung cấp vũ khí sau xung đột. Năm ngoái, CNAS cũng đã nhận được ít nhất 500.000 USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ để thúc đẩy lợi ích của mình.

Tại CNAS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, ông Colin Kahl đã tiết lộ vào đầu tuần này rằng Mỹ sẽ gửi cho Ukraina hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS.

Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gợi ý rằng Ukraina có thể phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, ông Sullivan cho biết quyết định như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào Kiev. “Chúng tôi sẽ không thúc ép họ nhượng bộ lãnh thổ” - ông Sullivan nói với CNAS.

Ảnh: Wiki

Mỹ sẽ gửi cho Ukraina hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS. Ảnh: Wiki

Bình luận của Cố vấn an ninh Sullivan được đưa ra sau khi một bản tin của NBC News cho biết một số quan chức Mỹ và Châu Âu “ngày càng lo ngại quỹ đạo của cuộc chiến ở Ukraina là không thể kiểm soát được” và đã “lặng lẽ thảo luận” yêu cầu Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky “giảm nhẹ lập trường cứng rắn của mình về việc không nhượng bộ lãnh thổ cho Nga”.

NBC News trích dẫn 7 quan chức Mỹ và Châu Âu đương nhiệm và nghỉ hưu. Một quan chức Mỹ cho biết Washington không thúc ép Kiev nhượng bộ "như một số nước Châu Âu đang làm", mà thay vào đó họ đang "lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh lâu dài".

NBC cũng tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden “không vui” khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói về việc Ukraina có thể “chiến thắng” nếu có vũ khí phù hợp, sau khi thăm Kiev vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, hai vị bộ trưởng này sau đó nói với ông Biden rằng phát biểu của họ đã bị báo chí diễn giải sai.

Mặc dù Tổng thống Biden được cho là đã nói với cả ông Austin và Blinken “hạ tông”, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy người đứng đầu Lầu Năm Góc đã làm như vậy. Ngày 15.6, chủ trì "nhóm liên lạc" để trang bị vũ khí cho Ukraina ở Brussels, ông Austin tuyên bố sẽ "hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraina để giúp họ đẩy lùi cuộc tấn công của Nga hiện tại và trong tương lai”.

Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Ukraina đã nhận được nhiều vũ khí hơn mức họ yêu cầu. Kiev yêu cầu 10 tiểu đoàn pháo binh, và có được 12. Mỹ và các đồng minh cũng cung cấp cho Ukraina hơn 97.000 hệ thống chống tăng, “nhiều hơn số lượng xe tăng trên thế giới”, theo ông Milley nói.

Vũ khí được chuyển tới Ukraina. Ảnh: AFP

Vũ khí được chuyển tới Ukraina. Ảnh: AFP

“Họ yêu cầu 200 xe tăng; họ có 237 chiếc. Họ yêu cầu 100 xe chiến đấu bộ binh; họ có hơn 300 chiếc. Nói chung, chúng tôi đã chuyển giao khoảng 1.600 hệ thống phòng không và khoảng 60.000 quả đạn phòng không” - tướng Milley cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Aleksey Reznikov nói với CNN hôm 16.6: “Kiev sẽ giải phóng tất cả lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea, bằng cách sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để ổn định mặt trận và sau đó tiến hành một cuộc phản công”. Trước đó, hôm 15.6, Thiếu tướng Ukraina Dmitry Marchenko cho biết ông muốn sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để đánh sập cây cầu dài nhất Châu Âu nối Crimea với đất liền Nga.

Trong khi Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tuyên bố rằng cuộc giao tranh đang diễn ra tốt đẹp đối với Kiev, các quan chức cấp cao của Ukraina thừa nhận mất 1.000 người mỗi ngày khi lực lượng Nga và đồng minh tiếp tục đà tiến công.


Nguồn:https://laodong.vn/tu-lieu/my-vua-cap-vu-khi-vua-muon-ukraina-dam-phan-voi-nga-1057355.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết