Lý do Trung Quốc và Nhật Bản cầu nguyện Mỹ không vỡ nợ
Khi thời khắc Mỹ có thể vỡ nợ đang ngày một đến gần, 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới tập trung theo sát diễn tiến.
Trung Quốc và Nhật Bản là những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Hai quốc gia này cùng sở hữu khoảng 2 nghìn tỉ USD trên 7,6 nghìn tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ.
Bắc Kinh tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ từ năm 2000, khi xứ sở cờ hoa ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc đã tạo ra một lượng lớn USD, đòi hỏi quốc gia này phải cất giữ tài sản tại một một nơi an toàn.
Khoản nợ chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đã ghi nhận mức tăng vọt từ 101 tỉ USD lên kỷ lục 1,3 nghìn tỉ USD vào năm 2013.
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến Bắc Kinh giảm tỉ lệ nắm giữ. Kể từ năm 2019, Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc để trở thành chủ nợ lớn nhất của xứ cờ hoa.
Tokyo hiện nắm giữ 1,1 nghìn tỉ USD, so với 870 tỉ USD của Trung Quốc. Cả hai cường quốc kinh tế đều dễ bị tổn thương trước sự sụp đổ tiềm tàng về giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ nếu kịch bản vỡ nợ diễn ra đối với Washington.
Josh Lipsky và Phillip Meng, hai nhà phân tích từ Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Nhật Bản và Trung Quốc có thể chịu tổn hại lớn nếu giá trị của trái phiếu kho bạc giảm mạnh”.
Giá trị trái phiếu kho bạc giảm sẽ dẫn đến dự trữ ngoại hối của Nhật Bản và Trung Quốc giảm theo. Chính vì vậy, hai quốc gia châu Á sẽ phải chật vật khi thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cũng như các khoản nợ nước ngoài của chính họ.
“Nếu Mỹ vỡ nợ, rủi ro thực sự sẽ đến với sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Đó là mối quan ngại nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia nhưng đồng thời cũng đặt ra rủi ro đặc biệt lớn với sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc” - Lipsky và Meng phân tích.
Sau các hạn chế do đại dịch vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn khi đầu tư với sản lượng công nghiệp có dấu hiệu chậm lại. Áp lực giảm phát trở nên tồi tệ hơn khi giá tiêu dùng hầu như không thay đổi trong vài tháng qua. Một mối quan tâm lớn khác là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang tăng vọt, đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4.2023.
Nền kinh tế Nhật Bản chỉ mới có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát - khó khăn vốn đã ám ảnh nước này trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc và Nhật Bản đang phụ thuộc vào Mỹ trong việc hỗ trợ các công ty và việc làm trong nước. Lĩnh vực xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với quốc gia tỉ dân khi các trụ cột khác của nền kinh tế - chẳng hạn như bất động sản - đang chững lại.
Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2022, thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục - chạm mốc 691 tỉ USD. Washington cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Tokyo khi xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ tăng 10% vào năm 2022.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã bày tỏ lo ngại đồng thời cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều thị trường khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.
Bắc Kinh tương đối im lặng về khả năng vỡ nợ của Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này hi vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ có trách nhiệm” và “kiềm chế không chuyển rủi ro”.