Lý do Trung Quốc đang đau đầu tìm cách "nuôi" 1,4 tỷ dân
Trung Quốc đã phải thu hồi đất của nhiều doanh nghiệp để trồng lương thực trước tình hình phức tạp hiện nay trên thế giới.
Tờ Financial Times (FT) cho hay tại miền Tây thành phố Chengdu, nhà hàng “Star Shining in the Clouds” nổi tiếng đã bị đóng cửa vĩnh viễn khi chính quyền thành phố muốn dùng khu đất này cho canh tác.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền địa phương khi dùng hơn 6.700ha đất tại Chengdu cho việc trồng ngô và đậu nành để đảm bảo an ninh lương thực, bất chấp điều này đồng nghĩa nhiều cửa hàng, doanh nghiệp phải đóng cửa trả mặt bằng.
Với trường hợp của Star Shining, nhà hàng này mới mở cửa được 2 năm và đã phải đóng vào tháng 4/2023 theo lệnh của chính quyền địa phương.
Lấy đất để canh tác
Tờ FT cho hay trên toàn Trung Quốc, chính phủ đã lấy lại hơn 170.000ha đất kể từ năm 2021 nhằm phục vụ mục đích canh tác, qua đó giảm sự phụ thuộc vào lương thực trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ-Trung lên cao cùng với sự phức tạp của thị trường nông sản.
Ngoài ra, vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như tác động của El Nino, thị trường lương thực thế giới lại tiếp tục đón cú sốc khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng, chiếm 25% lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Ấn Độ là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới. Vì thế, một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân vô cùng lo lắng, chưa thể tìm giải pháp thay thế. Hậu quả là hàng dài khách hàng ở khắp Mỹ hay Canada xếp hàng để mua gạo dự trữ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515-525 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ năm 2011. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua.
Đứng trước tình hình đó, việc Trung Quốc tăng cường các chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân là điều dễ hiểu.
Trên thực tế trong bài phát biểu năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã hối thúc các ban ngành phải đảm bảo an ninh lương thực bằng cách duy trì 120 triệu ha canh tác trên toàn quốc, một con số mà chính quyền Bắc Kinh nhận định đủ để duy trì cung ứng nông sản cho người dân.
“Trung Quốc phải đủ khả năng tự nuôi sống người dân của mình. Chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nước khác nếu không thể giữ chắc được bát cơm của mình”, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết.
Sự bùng nổ kinh tế của cường quốc Châu Á nhiều năm qua đã dẫn theo hệ lụy là lượng đất canh tác giảm để nhường chỗ cho các nhà máy, dự án bất động sản, nhà hàng...đẩy Trung Quốc ngày càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào lương thực nhập khẩu.
Hiện 3/4 số đậu nành tiêu thụ ở Trung Quốc là phải nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Lượng ngô nhập khẩu của nước này cũng tăng từ chưa đến 1% cách đây 10 năm lên 7% vào năm ngoái.
“Trung Quốc đang chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất nếu họ không thể mua lương thực từ nước ngoài”, giáo sư Yu Xiaohua của trường đại học Gottingen nhận định.
Thách thức
Mặc dù vậy, tờ FT nhận định việc lấy lại đất của doanh nghiệp để canh tác không hề đơn giản.
“Rất khó để lấy lại đất từ doanh nghiệp rồi bất ngờ biến chúng thành khu sản xuất lương thực hiệu quả. Bạn không thể cứ rải hạt giống xuống đó rồi mặc kệ được. Bạn sẽ cần chuỗi cung ứng như nguồn cung hạt giống, phân bón, thiết bị gần khu canh tác để có thể nhanh chóng vận hành. Bạn cũng sẽ cần thương lái và một thị trường chấp nhận mua hay ít nhất là lưu kho những nông sản này”, chuyên gia nghiên cứu Darin Friedrichs của Sitonia Consulting tại Thượng Hải cho biết.
Trong trường hợp tại Chengdu, chính quyền địa phương dự định sẽ biến những mảng đất canh tác lấy của nhà hàng Star Shining thành các vùng nông nghiệp du lịch với tổng đầu tư khoảng 34 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 4,7 tỷ USD.
“Các lãnh đạo không hài lòng về tình hình sử dụng đất canh tác sai mục đích hiện nay”, một quan chức giấu tên của Chengdu nói với FT.
Theo FT, chính quyền Chengdu đặt mục tiêu sản xuất thêm 96.000 tấn gạo, ngô và đậu nành vào năm 2026, tương đương 4% tổng sản lượng ngũ cốc năm 2022.
Tuy nhiên các quan chức Chengdu cho hay họ gặp rất nhiều khó khăn khi thu hút lao động trẻ từ nhà máy chuyển về làm nông. Vì vậy chính quyền nơi đây chỉ còn cách tuyển dụng những nông dân lớn tuổi từ các tỉnh lân cận tham gia vào dự án.
Dẫu vậy, tình hình vẫn không khả quan hơn do những nông dân này không thực sự dồn hết sức cho việc đảm bảo sản lượng.
“Tôi chỉ đến cánh đồng khi bị sếp gọi và chẳng quan tâm đến sản lượng lắm. Tôi sẽ chăm chút cho chúng nếu đây là mảnh ruộng nhà tôi, nhưng nó không phải”, một ông cụ họ Li đã 65 tuổi chịu trách nhiệm canh tác cánh đồng đậu nành ở Chengdu nói.
Ông cụ Li này cho biết đã phải đi xe buýt hàng giờ đồng hồ từ quê nhà để đến Chengdu và với mức lương chỉ 120 Nhân dân tệ mỗi ngày thì công việc này có thể sẽ chẳng kéo dài lâu.
Trong khi đó, một quan chức giấu tên khác của Chengdu nói với FT rằng sản lượng không phải ưu tiên hàng đầu mà là thái độ của chính quyền địa phương về mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của chính phủ.
Tờ FT cho hay việc chính quyền địa phương dỡ bỏ nhà hàng hay các trung tâm thương mại để canh tác vấp phải sự phản đối ở một số nơi khi lợi ích đem lại không tương xứng.
“Lợi ích của một trung tâm thương mại lớn hơn nhiều so với vài trăm kg ngô, vốn chẳng tác dụng mấy cho an ninh lương thực cả”, một cư dân giấu tên của Wutong Xinyuan bức xúc khi chính quyền địa phương định thay thế trung tâm thương mại cạnh đó để làm nông.
“Chúng tôi bị lỗ lớn khi dự án bị lấy lại mặt bằng chỉ để canh tác lượng nhỏ nông sản”, một cựu nhân viên giấu tên của Star Shining nói với FT.
*Nguồn: FT