Khí đốt Nga hết thời, uranium Nga lên ngôi với Đức
Cự tuyệt khí đốt Nga nhưng Đức lại nhập khẩu uranium của Mátxcơva tăng 70%.
Đài DW của Đức đưa tin, trong năm 2024, Đức đã nhập khẩu ít nhất 68,6 tấn uranium từ Nga, tăng 70% so với năm trước. Dữ liệu này được Bộ Môi trường, Năng lượng và Bảo vệ Khí hậu của bang Niedersachsen công bố.
Đáng chú ý, uranium được hai công ty con của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga (Rosatom) cung cấp, dù Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt cấm vận liên quan đến cuộc xung đột Ukraina. Loại nguyên liệu này được sử dụng để vận hành các nhà máy điện hạt nhân, một lĩnh vực mà Đức đã chính thức từ bỏ từ năm 2022.
Những lô hàng uranium được chuyển đến nhà máy Advanced Nuclear Fuels (ANF) tại Lingen, nơi chuyên sản xuất các thanh nhiên liệu hạt nhân. ANF là công ty con của Framatome, nhà sản xuất thiết bị hạt nhân hàng đầu của Pháp.
Dù EU áp đặt cấm vận lên nhiều lĩnh vực của Nga, uranium vẫn nằm ngoài danh sách cấm vận. Lý do là EU chưa ban hành lệnh cấm nhập khẩu hay xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Điều này giúp Nga tiếp tục duy trì nguồn cung cấp uranium sang Đức.
Bộ Môi trường Liên bang Đức xác nhận việc nhập khẩu này vẫn hợp pháp theo các quy định hiện hành của EU.
Trong khi Đức tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, Hungary lại chọn hướng đi khác. Theo Giám đốc điều hành Alexey Likhachev của Rosatom, Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất châu Âu tại Hungary.
"Công ty chuẩn bị đổ những khối bê tông đầu tiên. Chúng tôi rất vinh dự khi được xây dựng một lò phản ứng hạt nhân cho những người bạn của mình ở châu Âu và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến nó thành nhà máy đẹp nhất, hiện đại nhất và an toàn nhất tại Liên minh châu Âu", ông Likhachev cho biết.
Dự án mang tên Paks-2 sẽ bổ sung hai lò phản ứng mới, giúp Hungary giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Với nửa lượng điện năng hiện tại được tạo ra từ nhà máy hạt nhân Paks cũ do Liên Xô xây dựng, dự án này được kỳ vọng củng cố vị thế của Nga trong lĩnh vực năng lượng tại châu Âu.
Dù Đức đã từ bỏ năng lượng hạt nhân, việc nhập khẩu uranium từ Nga trong bối cảnh căng thẳng chính trị làm dấy lên nhiều tranh cãi, với nhiều nhà quan sát cho rằng đây là biểu hiện về sự bất nhất trong chiến lược năng lượng của châu Âu.