Hậu Assad, Syria tiếp tục bị nước ngoài xâu xé
Sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ, trong lãnh thổ Syria hiện đang có lực lượng quân sự của Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel.
![]() |
Theo giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara đang khẩn trương chuyển thiết bị quân sự đến căn cứ quân sự ở Syria, phía bắc Aleppo.
Theo Trung tâm nghiên cứu và giáo dục Alma của Israel, trong bối cảnh các nhóm Hồi giáo thân Ankara lên nắm quyền ở Syria và Hoa Kỳ đang rút quân khỏi lãnh thổ nước này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Syria.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng, chính các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò to lớn trong việc lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad ở Syria.
Người thay thế ông, Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa, đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, theo lý giải của các chuyên gia, đây thực chất là “cái giá phải trả cho sự hỗ trợ”.
Các nhà phân tích của Alma lưu ý, kế hoạch của Ankara đang gây ra mối quan ngại nghiêm trọng ở Tel Aviv.
Chính quyền Erdogan đã nhiều lần sử dụng lời lẽ hung hăng chống lại Israel và căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới được coi là “ranh giới đỏ” đối với nội các của ông Benjamin Netanyahu.
Sau khi chính quyền Assad sụp đổ, Israel cũng đã đưa quân sang chiếm đóng một phần các tỉnh phía nam Syria, tuyên bố rằng việc kiểm soát các tỉnh này là cần thiết để đảm bảo an ninh cho chính mình.
Cục diện Syria hiện nay đang hết sức phức tạp khi trong nước hiện diện lực lượng quân sự của hàng loạt quốc gia. Ngoài Mỹ ở khu vực đông bắc, hiện nay một mặt Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang cố gắng tránh xung đột vũ trang trực tiếp, trong khi mặt khác, họ vẫn đang tiếp tục xé Syria thành từng mảnh.
Báo chí Israel lại đưa tin rằng, Ankara và Tel Aviv đã bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật tại Azerbaijan, trong đó họ có thể bàn bạc việc giải quyết vấn đề kiểm soát lãnh thổ đối với các khu vực riêng lẻ của Syria.
Nhà phân tích quân sự Boaz Shapira cho biết, một số hình thức thỏa thuận quân sự có thể sẽ xảy ra, đặc biệt là sự phân chia lãnh thổ, khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiện diện ở phía bắc và miền Trung Syria, trong khi Israel ở phía nam, còn Mỹ co gọn lực lượng ở 3 tỉnh đông bắc là Raqqa, al-Hasakah và Deir ez-Zor.
Vừa qua, Quân đội Mỹ tuyên bố sẽ đóng cửa 3 trong số 8 căn cứ quân sự cấp chiến dịch-chiến thuật của họ ở Syria, đồng thời giảm cơ cấu binh lực từ 2000 quân xuống còn 1400 quân và trong tương lai có thể tiếp tục giảm xuống còn 500 quân, nếu điều kiện an ninh cho phép.
Như vậy, sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ, Syria vẫn không thoát khỏi cảnh bị nước ngoài xâu xé, thậm chí mức độ hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel còn tăng lên gấp nhiều lần.
Không rõ về sau sự hiện diện của Tel Aviv và Ankara có giúp ích gì cho chính quyền mới ở Damascus hay không, nhưng chắc chắn là trong thời điểm hiện nay và tương lai gần, đất nước Syria vẫn chưa có thời điểm nào yên bình.