Điểm yếu chí mạng của Trung Quốc trong công cuộc nuôi 1,4 tỷ dân: Thiếu giống nông sản
Tờ “National Business Daily” cho hay chính quyền Bắc Kinh đã thông qua hàng trăm giống cây trồng-vật nuôi mỗi năm nhưng 80% trong số này chẳng có giá trị thương mại gì.
Tờ SCMP cho hay dù tốc độ phát triển nông nghiệp của Trung Quốc mạnh hơn Mỹ nhưng sản lượng ngô bình quân trên mỗi MU (đơn vị đo lường tại Trung Quốc) lại liên tục bị Mỹ bỏ xa trong suốt 10 năm qua, hiện chỉ đạt 314 kg/MU.
“Hiện khoảng 70% số giống ngô trồng tại Trung Quốc là phải nhập khẩu từ Mỹ. Chính điều này đã khiến Phương Tây nắm giữ điểm yếu chí mạng về nguồn lực giống cây trồng tại Trung Quốc”, chuyên gia Jia nhận định.
Tờ SCMP cho hay sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung đã dấy lên cảnh báo với chính quyền Bắc Kinh về đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân trong bối cảnh nước này thua kém khá nhiều trong công nghệ giống cây trồng-vật nuôi, một trong những lý do chính khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn phụ thuộc khá nhiều vào lương thực nhập khẩu.
Chính điều này đã khiến nhiều chuyên gia khoa học Trung Quốc lo lắng, kêu gọi chính quyền Bắc Kinh có biện pháp giải quyết.
“Công nghệ nông nghiệp của chúng ta không thể bị cách biệt ngày càng xa với Mỹ được, bằng không thì Trung Quốc sẽ lâm vào rủi ro bị phụ thuộc vào Mỹ”, giáo sư Deng Yan của trường Đại học hàng hải Guangdong cảnh báo.
Theo ông Deng, căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ảnh hưởng đến khả năng cung ứng giống nông nghiệp, khiến sản lượng cung ứng nông sản, gia súc chăn nuôi chất lượng cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Khả năng tự phát triển những nguồn giống tốt, ổn định và có thể phổ biến đại trà tại Trung Quốc còn quá kém và điều này hoàn toàn do công nghệ kỹ thuật”, giáo sư Deng nhấn mạnh.
Điều trớ trêu là số liệu của Liên đoàn quốc tế bảo vệ giống (IUPNVP) cho thấy lượng giống cây trồng-vật nuôi mới được cấp phép tại Trung Quốc cao gấp 8 lần so với cả Mỹ và Hà Lan cộng lại, với khoảng 7.323 loại trong khoảng 2010-2019.
“Thế nhưng nếu xét về khả năng cạnh tranh chất lượng trên thị trường quốc tế về giống thì Trung Quốc đã tụt hạng từ số 1 xuống vị trí thứ 15”, giáo sư Deng cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia Deng, thị phần xuất khẩu giống của Trung Quốc chỉ chiếm 1,51% toàn cầu, nhỏ hơn nhiều so với 20,47% của Hà Lan và 13,91% của Mỹ.
“Mỹ có hơn 2.000 giống bản quyền toàn cầu chỉ từ một công ty tư nhân như Cordova nói riêng, trong khi toàn Trung Quốc cộng lại cũng chỉ có 1.225 giống bản quyền. Đó là chưa kể một nửa trong số đó đến từ một công ty quốc doanh”, giáo sư Deng ngậm ngùi.
Theo ông Deng, việc thiếu sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp khiến ngành thương mại giống cây trồng-vật nuôi tại Trung Quốc đã cực kỳ yếu kém. Ngoài vấn đề về lợi nhuận thì sự thiếu hỗ trợ hiệu quả từ chính phủ cũng là một nguyên nhân.
Mặt trận bị bỏ quên
Trong khi cả Trung Quốc và Phương Tây đang dồn sự chú ý cho ngành công nghệ vốn khá nhiều lợi nhuận thì mảng nông nghiệp dù không có doanh thu cao bằng nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo ổn định xã hội.
Số liệu của hãng Vcbeat tại Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đang là nước tiêu thụ giống lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, với tổng giá trị thị trường lên tới hơn 120 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 16,6 tỷ USD. Thế nhưng thâm hụt thương mại giống của nước này lại lên đến 350 triệu USD năm 2021.
Mặc dù Trung Quốc có nhiều đơn xin cấp phép bản quyền giống cây trồng-vật nuôi nhất hiện nay, cao hơn cả Mỹ và Châu Âu cộng lại nhưng liệu chúng có được thông qua hay không còn là câu hỏi. Tệ hơn, liệu những giống này có thể thương mại hóa hiệu quả được hay không là một nghi vấn còn lớn hơn.
Sự thiếu hợp tác giữa doanh nghiệp và các phòng thí nghiệm khiến người nông dân thà chọn những giống cây trồng-vật nuôi có tiếng nhập khẩu từ Mỹ chứ không mua những giống mới nội địa.
“Tỷ lệ diện tích đất canh tác bình quân đầu người tại Trung Quốc rất thấp nên chúng ta cần phát triển những giống chất lượng cao cho năng suất khủng để đáp ứng nhu cầu”, chuyên gia Weng Ming của Viện phát triển nông thôn (IRD) thuộc Học viện khoa học Trung Quốc nhận định.
Lượng dân ngày một đông trong khi diện tích đất nông nghiệp thu hẹp khiến giống cây trồng vật nuôi tại Trung Quốc dần trở nên quan trọng hơn. Thế nhưng việc lao động trẻ bỏ hết lên thành phố kiếm việc, chính quyền địa phương thì bán đất nông nghiệp cho các dự án bất động sản để tăng ngân sách càng khiến tình hình trở nên tệ đi.
Thậm chí theo chuyên gia Weng Ming của IRD, dù Trung Quốc đã có nhiều bước đột phá trong công nghệ giống nhưng lại chẳng áp dụng được vào thực tế hay thương mại hóa diện rộng.
Xin được nhắc là đậu nành và ngô là những mặt hàng được tiêu thụ rất nhiều ở Trung Quốc cho lương thực và thức ăn gia súc như lợn.
*Nguồn: SCMP