Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) "không ngần ngại tăng lãi suất đến khi lạm phát quay đầu"
“Nếu cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại đưa lãi suất vượt qua mức trung lập mà công chúng đang bàn tán”, ông Chủ tịch Fed cho hay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi nhận thấy các điều kiện tài chính đã ổn định và lạm phát đi xuống”.
Chia sẻ tại cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal ngày 17/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhấn mạnh quyết tâm chế ngự lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ. Ông cho biết mình sẽ ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất cho đến khi giá cả hàng hóa trở lại mức lành mạnh hơn.
“Nếu cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại đưa lãi suất vượt qua mức trung lập mà công chúng đang bàn tán”, ông Powell cho hay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi nhận thấy các điều kiện tài chính đã ổn định và lạm phát đi xuống”.
“Fed sẽ thắt chặt chính sách đến mức đó. Chúng tôi sẽ không chần chừ”, Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ khẳng định.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) "không ngần ngại tăng lãi suất đến khi lạm phát quay đầu" |
Đầu tháng 5, Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, lần tăng thứ hai của năm 2022 trong bối cảnh lạm phát neo quanh mức đỉnh 40 năm. Tháng trước đó, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Trong tháng 4, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức cao nhất trong hơn 40 năm. Sang tháng 5, lạm phát đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và ở quanh mức đỉnh này.
Theo ông Powell, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thêm vài lần nữa, miễn là các điều kiện kinh tế tại Mỹ vẫn tương tự như hiện tại.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Fed đã lặp lại cam kết đưa lạm phát tiến gần hơn về mức mục tiêu 2%. Song, ông cảnh báo rằng kế hoạch đó có thể không thực sự dễ dàng và Fed có thể phải trả giá bằng tỷ lệ thất nghiệp 3,6%.
“Chúng ta vẫn sẽ có một thị trường lao động mạnh mẽ nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một chút”, ông Powell lưu ý. “Có một số hướng đi hợp lý để hạ cánh mềm nền kinh tế như tôi từng trình bày. Công việc của chúng tôi không phải là cá cược, mà là cố gắng đạt được mục tiêu này”.
Nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc trong quý I năm nay, khi tăng trưởng GDP tụt 1,4% (tính theo tỷ lệ đã chuẩn hóa theo năm). Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các hạn chế về nguồn cung, sự lan rộng của biến chủng Omicron và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Chính sách tiền tệ thắt chặt đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời kích hoạt một đợt bán tháo quy mô trên Phố Wall.
Ngoài nâng lãi suất, Fed cũng đã tạm dừng chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng và từ tháng tới sẽ bắt đầu cắt giảm một số tài sản khỏi bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỷ USD mà họ tích lũy được trong đại dịch.
Chủ tịch Powell hy vọng Fed có thể đạt được mục tiêu lạm phát mà không làm nền kinh tế sụp đổ, CNBC thông tin thêm.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Marketplace, ông Powell đã cảnh báo rằng công cuộc kiểm soát lạm phát có thể gây ra một số khó khăn về kinh tế. Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ cho biết ông không thể hứa hẹn về một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ, làm nảy sinh tâm lý lo sợ ở nhà đầu tư.
Chủ tịch Fed khi đó nhấn mạnh: “Hạ cánh mềm là đưa lạm phát quay trở lại ngưỡng mục tiêu 2%, trong khi vẫn duy trì được một thị trường việc làm vững mạnh. Đạt được điều đó bây giờ là khá khó khăn, vì một vài lý do”.
Ông Powell lưu ý rằng thị trường lao động bị thắt chặt, qua đó kéo tiền lương của người dân lên cao. Vì vậy, việc tránh một cuộc suy thoái sau khi siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay là một thách thức cam go.
Phương Anh (Dịch)