Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất hòa thêm khó khắc phục

Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên khơi mào chuyện giành đảo Greenland về cho nước Mỹ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT
 

Mối bất hòa giữa Mỹ với Đan Mạch và Greenland trở nên càng thêm sâu đậm với chuyến đi tới đảo này của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cùng với những phát ngôn của ông này và Tổng thống Donald Trump.

Đảo Greenland có quyền tự trị sâu rộng. Về pháp lý quốc tế, Greenland thuộc về Đan Mạch. Đan Mạch và Mỹ đều là thành viên của NATO, tức là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau.

Năm 1951, Đan Mạch và Mỹ ký thỏa thuận cho phép Mỹ lập căn cứ và hiện diện quân sự trực tiếp trên đảo Greenland. Thời Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, Mỹ xây dựng 17 căn cứ quân sự và đồn trú hàng chục nghìn binh lính, về sau rút giảm dần và hiện tại chỉ còn 1 căn cứ với vài trăm lính trên đảo.

Căn cứ quân sự này của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong bố trí chiến lược và mạng lưới chỉ huy của NATO. Trong khi đó, Đan Mạch cũng như các thành viên khác của NATO được Mỹ cam kết bảo hộ an ninh. Suốt bao thập kỷ qua đã luôn là như thế.

Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên khơi mào chuyện giành đảo Greenland về cho nước Mỹ, đồng thời còn tin chắc sẽ đạt được mục tiêu ấy “bằng cách này hay cách khác”.

Ngay khi còn ở Greenland, ông Vance đã chỉ trích nặng nề Chính phủ Đan Mạch đã không làm tốt việc bảo đảm an ninh cho hòn đảo trong bối cảnh tàu thuyền của Nga và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trực tiếp cũng như đi lại ở vùng biển xung quanh và vùng Bắc Cực.

Thế nên, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trên đảo. Còn ông Trump khích lệ người dân Greenland ly khai chính quyền Đan Mạch và quả quyết không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để chiếm hòn đảo này về cho nước Mỹ.

Chính quyền đảo Greenland và Chính phủ Đan Mạch đã phản đối mạnh mẽ chuyến đi nói trên của Phó Tổng thống Mỹ và những phát ngôn liên quan của cặp Trump/Vance. Chính quyền và người dân trên đảo muốn độc lập với Đan Mạch nhưng hoàn toàn không muốn trở thành một phần của nước Mỹ.

Tham vọng lãnh thổ của Mỹ làm cho người dân và chính quyền Greenland đoàn kết với nhau hơn. Điều đó đồng nghĩa, Chính phủ Đan Mạch phải đầu tư nhiều hơn trước vào Greenland và đảm bảo an ninh cho đảo.

Mối bất hòa này gia tăng mức độ nghiêm trọng, trở nên ngày càng thêm khó khắc phục khi phía Mỹ theo đuổi chủ định cụ thể, rõ ràng với quyết tâm nhất quán bất chấp mọi phản đối từ phía Đan Mạch và đảo Greenland.

Ông Trump và cộng sự theo đuổi nhiều mục đích và lợi ích với chủ định giành chiếm đảo Greenland, tuyên cáo to tát và mạnh miệng dọa dẫm vậy thôi chứ thừa biết trong thời nay không thể chiếm được đảo này bằng biện pháp quân sự hay kiểu gây áp lực.

Dù vậy, phía Mỹ vẫn đẩy các đồng minh ở châu Âu vào tình thế khó xử mà nếu muốn thoát được ra khỏi thì phải tự thân vận động mạnh mẽ như chưa từng thấy để tự bảo đảm an ninh hoặc phải chịu lụy Mỹ nhiều hơn nữa.

Một khi không còn coi trọng và ưu tiên EU và NATO như trước, thì Mỹ càng thúc ép trong chuyện đảo Greenland chỉ càng có lợi cho họ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...