Anh đối mặt nguy cơ phải phân phối nước sạch trên toàn quốc
Anh đang tiến gần đến tình cảnh thiếu nước sạch, tình trạng mà các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải thường xuyên đối mặt trong các đợt hạn hán.
Anh đối mặt nguy cơ thiếu nước sau đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 6. Ảnh: Xinhua
Anh đang đứng trước nguy cơ phải phân phối nước trên toàn quốc do tình trạng quản lý yếu kém kéo dài trong nhiều năm và hệ thống hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, theo Bộ trưởng Môi trường Steve Reed.
Phân phối nước là hành động hạn chế sử dụng nước, thường là do tình trạng khan hiếm nước hoặc hạn hán, để đảm bảo phân phối công bằng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nó có thể bao gồm việc tạm thời ngừng cung cấp nước hoặc giảm áp lực nước. Phân phối nước được thực hiện để quản lý các nguồn nước hạn chế và ưu tiên các nhu cầu thiết yếu.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Reed cho biết Anh đang tiến gần đến tình cảnh mà các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải thường xuyên đối mặt trong các đợt hạn hán. Ông khẳng định công chúng không hề biết rằng tại thời điểm cuộc tổng tuyển cử gần nhất, nước Anh đã phải xem xét đến khả năng phân phối nước sạch trong vòng 10 năm.
Bộ trưởng cho biết các ngành công nghiệp mới như nhà máy pin và trung tâm dữ liệu đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước với khối lượng lớn để làm mát hệ thống. Nếu không có sự can thiệp, Anh sẽ buộc phải thực hiện việc cắt nước theo khung giờ trong ngày.
Cảnh báo này được đưa ra sau đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 6, và khi nhiều khu vực trong nước đang chuẩn bị trải qua nhiệt độ trên 30 độ C trong tuần này.
Chính phủ đã dành được khoản ngân sách trị giá 104 tỉ bảng (khoảng 136 tỉ USD) cho các dự án nâng cấp hạ tầng trong vòng năm năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để xây hồ chứa mới và giảm thất thoát nước. Tuy vậy, ông Reed cảnh báo rằng việc phục hồi toàn bộ hệ thống cấp nước sẽ cần thời gian lâu hơn 5 năm, dù người dân đang ngày càng kêu gọi hành động quyết liệt.
Một số quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước sạch khi đối mặt với thách thức tương tự. Tây Ban Nha giới hạn giờ sử dụng nước sinh hoạt trong các đợt hạn hán. Australia thực hiện lệnh cấm sử dụng nước theo nhiều cấp độ. Singapore có thể tái chế đến 40% lượng nước qua công nghệ lọc hiện đại. Hàn Quốc sử dụng đồng hồ thông minh để giám sát lượng tiêu thụ và phát hiện rò rỉ.
Tình hình hiện tại đặt ra yêu cầu cấp thiết về một chiến lược dài hạn nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước từ các ngành công nghiệp công nghệ cao tiếp tục gia tăng.