‘Nghề làm đêm’ bùng nổ ở Philippines, động ngón tay cũng kiếm được 1.200 USD/tháng, chuyên phục vụ các doanh nhân giàu có và người nổi tiếng
Tại Philippines, nghề làm trợ lý thâu đêm phục vụ các nhà khởi nghiệp Mỹ đang trở thành xu thế mới.
“Nghề trợ lý ảo đang bị đánh giá dưới giá trị thực của nó. Trợ lý ảo của tôi tiết kiệm cho tôi đến 60% thời gian làm việc”, cô Carrillo cho biết.
Hiện nhà khởi nghiệp này phải tham gia các buổi họp CEO, điều hành một startup, đồng thời vẫn phải viết bài, nấu nướng, đọc sách cùng vô số công việc hàng ngày. Để làm được điều đó, cô Carrillo đã phải thuê ngoài một trợ lý ảo để làm bớt các công việc hoặc hỗ trợ cho mình.
“Nghe có vẻ như bạn đang dùng một quản lý nhân sự hơn là trợ lý ảo”, một bình luận dưới bài đăng của Carrillo khi đọc thông tin về việc thuê ngoài “trợ lý ảo” nhưng thực chất là một lao động ở Philippine làm mọi thứ.
Trên thực tế, việc thuê ngoài lao động mảng dịch vụ đã không hề xa lạ với nhiều doanh nghiệp Mỹ. Tại Ấn Độ, câu chuyện thành lập những trung tâm phục vụ khách hàng, giải đáp thắc mắc rồi chuyển đường dây hay điều hướng lệnh làm việc về trung tâm bảo hành, sửa chữa hay chuỗi cung ứng tại Mỹ đã không hề hiếm.
Tuy nhiên với việc “thuê ngoài” trợ lý như tại Philippines thì lại là một công việc khá mới mẻ. Trong khi các trợ lý ảo bằng máy móc không thực sự giúp ích hoàn toàn được cho con người thì những nhân lực thuê ngoài tại Philippines lại hoàn toàn có thể đáp ứng được hết các nhu cầu, miễn là họ đủ sức thức đêm.
Nghề thức đêm
Cô Angela Monta, một trợ lý thuê ngoài dưới vỏ bọc “trợ lý ảo” tại San Mateo-Philippines đã theo nghề này được hơn 1 năm. Vị nữ trợ lý 25 tuổi này làm việc 5 tối mỗi tuần do chênh lệch múi giờ với Mỹ, kiếm được hơn 1.200 USD/tháng và cảm thấy khá thoải mái.
Cách đây hơn 1 năm, cô Monta vẫn còn là một nhân viên chính phủ và chẳng hề nghĩ mình sẽ đi làm trợ lý cho một nhà khởi nghiệp tận Mỹ. Dù công việc nhàm chán với đồng lương thấp, Monta vẫn cố gắng đi làm để có thu nhập, thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến buộc cô phải nghỉ việc.
Để kiếm thu nhập nuôi gia đình, Monta đã trở thành trợ lý ảo cho một nhà khởi nghiệp ở California kể từ tháng 2/2022 và chênh lệch đến tận 15 tiếng. Điều này đồng nghĩa khi mọi người đi ngủ thì đây mới là lúc Monta dậy đi làm để phục vụ ông chủ bên Mỹ.
Vậy là khi các sếp đi gặp đối tác, họp hành, nói chuyện với nhà đầu tư hay khách hàng thì các trợ lý Philippines này làm những công việc văn phòng, quản lý mọi thứ từ trao đổi email, lên lịch hẹn...với mức lương dù thấp hơn Mỹ nhưng cao hơn mức trung bình tại Philippines.
Dù được ngồi nhà làm việc nhưng công việc của các trợ lý như Monta không hề đơn giản. Cô cho biết mình phải đáp ứng mọi nhu cầu đến chóng mặt của những ông chủ bên Mỹ. Có lần Monta phải giúp bảo mẫu của gia đình ông chủ sắp xếp thời gian biểu cho con cái của họ, theo dõi từng phút về thời gian ngủ, ăn uống và đi vệ sinh của các bé.
Tuy mức lương của cô được đánh giá là quá bèo bọt so với một trợ lý thực thụ bên Mỹ nhưng lại cao gấp 3 lần so với nghề công chức của của mình và gấp 4 lần so với mức lương bình quân tại Philippines, vốn chỉ vào khoảng 300 USD/tháng.
“Khi tôi bắt đầu nghề ‘thức đêm’ này thì cuộc sống trở nên dễ thở hơn. Đây thực sự là một công việc có thể cải thiện cuộc đời bạn”, cô Monta nói.
Xu thế mới
Đại dịch Covid-19 cùng ngành công nghệ phát triển đã khiến nghề trợ lý ảo tại Philippines bùng nổ mạnh. Những lao động này có vốn tiếng Anh tốt, rẻ hơn thuê trợ lý tại Mỹ và thông minh hơn những trợ lý ảo bằng máy móc. Với việc ký hợp đồng qua bên thứ 3, các ông chủ có thể điều chỉnh thời gian làm việc tùy biến mà không lo sợ vi phạm luật lao động hay hết giờ làm việc.
Theo hãng môi giới trợ lý “There Is Talent”, thị trường trợ lý ảo thuê ngoài đã tăng gấp đôi về quy mô trong khoảng năm 2021-2022. Các ước tính cho thấy toàn thế giới hiện nay có khoảng 40 triệu trợ lý ảo thuê ngoài đang làm việc và phần lớn là ở Philippines do vốn tiếng Anh tốt, có kỹ năng và thái độ lao động chuyên nghiệp.
Báo cáo của Payoneer cho thấy khoảng 1,3 triệu lao động Philippines hiện đang làm các công việc online trong năm 2022. Thậm chí từ trước khi đại dịch bùng nổ, nền kinh tế này đã đứng thứ 6 thế giới về tốc độ tăng trưởng lao động trực tuyến năm 2019.
Trên thực tế, Philippines vốn đã nổi tiếng về mảng xuất khẩu lao động chất lượng cao với lượng kiều hối lên đến 30 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng tờ SCMP cho biết đại dịch đã khiến khoảng 700.000 lao động nước ngoài của Philippines mất việc và những cơ hội như trợ lý ảo lại đang trở thành xu thế kiếm tiền mới.
Thậm chí, ngày nay tại Philippines, không có ai là không quen một người nào đó làm trợ lý ảo thuê ngoài cho các công chủ Mỹ. Sự đông đảo của lực lượng lao động đã dẫn đến cả một cuộc cạnh tranh gay gắt trong ngành.
“Hiện có rất nhiều sự cạnh tranh trong nghề này”, anh Raine Soriano, một trợ lý 35 tuổi sống ở tỉnh Nueva Acija-Philippines, vào nghề từ năm 2016 và hiện đang làm cho một công ty bất động sản ở Canada với mức lương 2.000 USD/tháng cho biết.
*Nguồn: Rest of World