Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"De Minimis" - Không nộp thuế, không đăng ký kinh doanh: Lỗ hổng thuế 86 năm khiến hàng Trung Quốc tràn ngập nước Mỹ, doanh nghiệp nội bất bình, chính phủ Mỹ đã bắt đầu hành động mạnh tay?

Người tiêu dùng ham hàng rẻ, nhưng để bảo hộ ngành TMĐT trong nước, việc làm và doanh nghiệp nội địa, chính phủ Mỹ đã gây sức ép buộc các nền tảng Trung Quốc như Temu phải thay đổi mô hình kinh doanh.

 

Đứng trước nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lượng lớn hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), chính quyền Washington đã có những biện pháp mạnh để bảo hộ doanh nghiệp và người lao động trong nước.

Việc quá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bán được hàng tại Mỹ thông qua những nền tảng như Temu hay Shein nhờ lỗ hổng thuế đã tồn tại từ năm 1938, cũng như việc không phải đăng ký kinh doanh, không cần lưu kho đã khiến nhiều chính trị gia ở Washington lo lắng.

Chính điều này đã ép Temu, nền tảng TMĐT bùng nổ thời gian gần đây ở Mỹ với hàng Trung Quốc giá rẻ, phải quy hoạch lại chiến lược kinh doanh của mình nếu không muốn vấp phải những quy định trừng phạt từ chính phủ.

Trớ trêu thay, sự thay đổi này của Temu lại đang khiến chính các nhà cung ứng của họ tại Trung Quốc "nổi nóng" khi thời kỳ kiếm tiền USD từ người Mỹ dễ dàng mà không phải đăng ký hay nộp thuế đã không còn nữa.

Lỗ hổng 86 năm

Dựa vào sự nổi tiếng và giá rẻ trên các nền tảng như Temu, hàng Trung Quốc có thể được bán cho người Mỹ mà chẳng cần đăng ký hay nộp thuế đầy đủ.

Cụ thể, Mục 321 trong Luật hải quan Mỹ, hay còn được gọi là "De Minimis", cho phép các hãng TMĐT Trung Quốc tránh phải trả thuế hay lệ phí với những lô hàng được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu có giá trị dưới 800 USD.

Điều khoản này được ban hành từ năm 1938 nhằm tăng tốc vận chuyển hàng hóa có giá trị nhỏ và chẳng thu được bao nhiêu tiền thuế, chủ yếu nhắm đến những khách du lịch mua hàng lưu niệm về nước. Chúng đã được điều chỉnh hạn mức nhiều lần và đến năm 2016 thì được tăng từ 200 USD lên 800 USD.

"Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng tinh thần của điều khoản thuế này", CEO Prince Ghosh của Factored Quality ngán ngẩm khi nói về việc điều khoản này bị các hãng Trung Quốc lợi dụng.

Tận dụng điều khoản trên, những nền tảng như Temu hay Shein đã chuyển hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ thông qua các nhà máy hoặc kho hàng ở Trung Quốc. Tất cả những gì người Mỹ cần làm là click chuột mua hàng trên website và Temu hay Shein sẽ làm mọi thứ còn lại.

Kiểu kinh doanh này khiến các nhà máy, doanh nghiệp Trung Quốc chẳng cần đăng ký kinh doanh hay nộp thuế cũng có thể kiếm tiền từ thị trường Mỹ. Họ cũng tiết kiệm được rất nhiều các chi phí về thủ tục hành chính khác mà nhiều công ty Mỹ cho rằng là quá bất công.

Trước đây nhiều doanh nghiệp Mỹ cùng dùng điều khoản 321 nhưng với tỷ lệ rất thấp, chủ yếu để phục vụ trải nghiệm của khách hàng hơn là kiếm lợi nhuận. Thế nhưng sự xuất hiện của Temu hay Shein đã khiến lỗ hổng thuế này thành mỏ vàng cho các nhà xưởng tại Trung Quốc.

Báo cáo của Nghị viện Mỹ vào tháng 6/2023 cho thấy Shein và Temu chiến đến 30% lượng hàng hóa vận chuyển theo diện "De Minimis" đến Mỹ hàng ngày và một nửa trong số đó bắt nguồn từ các nhà máy tại Trung Quốc.

Tờ Business Insider (BI) cho hay việc cắt giảm được chi phí tồn kho, các đầu mối trung gian phân phối khiến hàng Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Mỹ nhanh hơn mà chẳng tốn tiền lưu kho quá nhiều đợi tiêu thụ như truyền thống.

Theo tờ Time, nền tảng Temu không có bất cứ hệ thống theo dõi nào chứng minh được nguồn gốc chính xác của nhiều sản phẩm giá rẻ, qua đó áp dụng các quy định về lệ phí, đăng ký kinh doanh hay thu thuế.

Điều này có lợi cho người tiêu dùng Mỹ khi mua được hàng giá rẻ, nhưng ảnh hưởng về lâu dài của chúng thì vô cùng lớn.

Với lợi thế về chi phí, các nhà máy sản xuất tại Mỹ sẽ không thể so sánh về giá cả so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hậu quả là doanh nghiệp sẽ dịch chuyển sản xuất, sa thải lao động gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ vốn đang cực kỳ phức tạp.

Xin được nhắc rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) theo dõi khá chặt chẽ thị trường lao động như một chỉ số để xem xét điều chỉnh lãi suất.

"Sự thay đổi về mô hình kinh doanh khiến thời gian tồn kho hàng hóa giảm từ 6 tháng đến còn 1 tuần và sẽ làm thay đổi toàn bộ thị trường nếu không có sự can thiệp từ chính phủ", chuyên gia Matt Nichols của Commerce Ventures khẳng định.

Dù cho biết không phải mọi mặt hàng của mình đều "lách thuế" theo luật "De Minimis" nhưng tờ BI cho biết hàng loạt thương hiệu của Mỹ như Walmart hay Amazon cũng học theo hình thức này để nhập hàng từ các xưởng hợp đồng ở Trung Quốc về bán tại nội địa thay vì đặt nhà máy trong nước. Sức ép cạnh tranh giá rẻ từ Temu và Shein là quá lớn để các doanh nghiệp Mỹ có thể kháng cự.

Thời thế thay đổi

Tờ Financial Times (FT) cho hay Temu, được sở hữu bởi tập đoàn Trung Quốc PDD, trong những tuần gần đây đã liên tục tuyển dụng các lái buôn sở hữu nhà kho vốn từng làm việc cho Amazon tại Mỹ và Châu Âu.

Động thái này của Temu là nhằm chuẩn bị trước sức ép cực lớn từ Chính phủ Mỹ khi lượng lớn hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường này, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp nội địa và người lao động.

Tờ Time cho hay, Temu và Shein vận chuyển gần 1 triệu bưu kiện mỗi ngày đến người tiêu dùng Mỹ và đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm từ thị trường Mỹ nhưng lại chẳng kích thích nền kinh tế địa phương.

Trái lại, mô hình kinh doanh nhờ hàng giá rẻ Trung Quốc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hộ kinh doanh nhỏ, các nhà máy và khiến vô số người lao động Mỹ chịu cảnh mất việc làm.

"Đây là một lỗ hổng thuế quá lớn giúp hai hãng Temu và Shein tiếp cận thị trường Mỹ, làm suy yếu doanh nghiệp địa phương, hàng loạt công ty bị phá sản vì sự cạnh tranh bất bình đẳng này", Nghị sĩ Earl Blumenauer của bang Oregon bức xúc khi nói về các doanh nghiệp Mỹ phải nhập khẩu cả container linh kiện giá trị lớn về Mỹ lưu kho, nộp thuế đầy đủ nhưng lại chẳng được cạnh tranh công bằng.

"Chúng tôi đã phải trả 100 triệu USD tiền thuế và lệ phí trong 6 năm qua cho Hải quan Mỹ, qua đó đẩy giá sản phẩm lên cao nhưng các đối thủ Trung Quốc lại chẳng phải đóng đồng nào. Quá khó để cạnh tranh lại họ", CEO Jim Marcum của David’s Bridal than thở khi phải nộp đơn phá sản vào tháng 4/2024.

"Tôi thực sự không muốn việc làm tại Mỹ bị cắt giảm, nhưng mô hình này đang hoạt động quá lợi nhuận", chuyên gia Steve Story của Apex Logistics International, hãng đang giúp Temu thực hiện vận chuyển và phân phối hàng vào Mỹ phải thừa nhận.

Trước tình hình này, Cục hải quan Mỹ đã bắt đầu siết chặt mô hình "De Minimis", thu giữ nhiều kiện hàng có tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD của hai nền tảng trên tại cửa khẩu. Việc vận chuyển theo mô hình này cũng dần chậm trễ và bị ách tắc lại tại cửa khẩu khi các chính trị gia Mỹ lo ngại làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ tác động xấu đến kinh tế địa phương.

Bởi vậy, những nền tảng như Temu đã bắt đầu phải tuyển dụng hay xây dựng các nhà kho ở Mỹ nhằm tuân theo luật chơi mới. Thế nhưng điều này lại đang khiến chính nguồn cung hàng ở phía Trung Quốc bất bình.

Giảm 10 lần

Trước đây, người bán hàng Trung Quốc và các nhà xưởng chẳng cần quan tâm đến giấy tờ thủ tục hải quan hay đăng ký kinh doanh tại Mỹ. Họ chỉ cần gửi hàng đến các nhà kho ở Trung Quốc và Temu hay Shein sẽ lo phần còn lại.

Giờ đây với luật chơi mới, người bán hàng Trung Quốc sẽ phải tự lo thủ tục để xuất khẩu hàng sang các nhà kho tại Mỹ, rồi mới được Temu hay Shein lo liệu. Điều này sẽ làm tăng chi phí, giảm sự hiệu quả và khiến cho người bán lo ngại.

"Cách Temu đối xử với những người cung ứng thật chẳng đáng tin tý nào. Tôi cảm thấy cách làm này khó lòng bền vững lâu được", ông Hong, một nhà cung ứng bán hàng cho Temu tại Haizhu than vãn.

Tờ FT cho hay sau khi chiêu thức bán hàng giá rẻ vào thị trường Mỹ mà không nộp thuế của Temu bị gián đoạn, hàng loạt người bán hàng ở Trung Quốc đã lâm vào cảnh lao đao.

Một người bán hàng ở Guangzhou cho biết, trước đây nhận được 30.000-50.000 đơn hàng mỗi ngày thì giờ đây chỉ nhận được tầm 3.000 đơn hàng trên Temu.

"Phần lớn người bán hàng chúng tôi lựa chọn Temu vì hãng này lo liệu toàn bộ phần chi phí logistics, lưu kho và vận chuyển, những thứ mà chúng tôi không biết nhiều. Thế nhưng giờ đây họ lại đang thay đổi chính sách", ông Hong nói với FT.

Mặc dù Temu cam kết sẽ đưa các gian hàng của người bán nào tham gia mô hình cung ứng mới, đồng thời trợ giá 3 USD cho một số sản phẩm nhưng nhiều nhà cung ứng tại Trung Quốc lại đang nổi giận với đề nghị này.

Không riêng gì Mỹ, hiện Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang xem xét loại bỏ điều khoản không cần nộp thuế cho các mặt hàng nhập khẩu có giá trị dưới 150 Euro để tránh việc bị hàng giá rẻ Trung Quốc lợi dụng.

Năm 2023, khoảng 2,3 tỷ bưu kiện đã nhập khẩu vào EU mà không cần nộp thuế theo điều khoản trên.

*Nguồn: BI, FT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...