Sự trỗi dậy của NFT - Là bong bóng hay là tương lai?
Khi bước vào năm 2022, hàng loạt tựa game NFT đóng cửa và số lượng lớn NFT giảm gần toàn bộ giá trị giao dịch của mình. Câu hỏi đặt ra: Giá trị thực sự của NFT nằm ở đâu?
Năm 2021 là đỉnh điểm của cơn sốt NFT, động lực chính là các tác phẩm NFT và game NFT. Tuy nhiên, khi bước vào năm 2022, hàng loạt tựa game NFT đóng cửa và số lượng lớn NFT giảm gần toàn bộ giá trị giao dịch của mình. Câu hỏi đặt ra: Giá trị thực sự của NFT nằm ở đâu?
Con bạc chỉ chết ở lần thứ hai
Năm 2022 bắt đầu, đánh dấu một giai đoạn kinh tế thế giới hậu Covid-19. Vết tích của cơn đại dịch kinh hoàng dần phai nhạt và các hoạt động dần trở lại bình thường. Có lẽ vì vậy mà các "cá mập" bắt đầu lo lắng, họ thực hiện những đợt bơm thổi cuối cùng để đẩy thị trường lên mức cao kỷ lục vào tháng 11/2021, trước khi xả số lượng lớn khiến thị trường giảm liên tục kể từ đầu năm đến nay.
Thị trường tiền mã hóa và NFT trải qua mùa đông lạnh băng giá, kết hợp với những đợt tấn công không hồi kết của giới mũ đen - mà người đầu tư vô cùng dễ bị tổn thương vì không được bảo hộ bởi chính phủ và các công ty bảo hiểm, lượng người chơi của các tựa game "play to earn" (chơi để kiếm tiền) sụt giảm đáng kể. Tựa game Axie Infinity của Nguyễn Thành Trung chỉ giữ được khoảng 1% lượng người chơi so với hồi giữa năm 2021 (kỷ lục là 1 triệu người chơi), buộc phải chuyển hướng trở thành một game giải trí miễn phí thuần túy.
Thị trường buôn bán tác phẩm nghệ thuật NFT cũng vô cùng ảm đạm, theo thống kê của TechCrunch, tính đến tháng 6/2022, khối lượng giao dịch NFT đã giảm 70% so với đầu năm. Truyền thông cũng dần thay những mẩu chuyện giàu xổi từ tiền kỹ thuật số và NFT, thành những mẩu chuyện "nghèo nhanh" từ cũng chính hai công nghệ nóng hổi này.
Bất chấp tất cả, nhiều "tín đồ" của các hệ thống tiền tệ tương lai này vẫn đặt niềm tin không hề suy suyển vào những ván cược. Chỉ hai tuần sau sự sụp đổ của Luna - từ 100 đô/đồng xuống còn 0.00009 đô/đồng - khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng, dự án Luna 2.0 lại được mua bán một cách sôi động. NFT của những chú khỉ chán chường (Bored Ape) vẫn đạt giá trị thị trường 4 tỷ đô vào hồi tháng 3. Tổng thống El Salvador vẫn cứ lấy dự trữ quốc gia để tất tay vào Bitcoin.
Giống như câu nói người ta vẫn thường nói về những con bạc: "chỉ chết thực sự ở lần thứ 2" - hoặc là xuống xác để gỡ lại những gì đã mất, hoặc là tự tin rằng mình có thể "đánh bại thị trường" thêm một lần nữa. Tương lai của những tín đồ này đang như ngọn đèn trước gió.
Còn lại gì khi thủy triều rút xuống?
NFT những chú khỉ chán chường (Bored Ape)
Trái ngược với nhóm người "đón nhận sớm" là nhóm người "nghi ngờ lâu". Họ cảm thấy những gì đang diễn ra dường như là siêu thực: Tại sao chỉ là một phương thức lưu trữ và xử lý dữ liệu mới lại làm thế giới chao đảo như vậy?
Không lạ gì khi đây cũng chính là những người hả hê nhất khi thị trường tiền kỹ thuật số và NFT tụt dốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều người trong số này lại rơi vào suy nghĩ cực đoan ở chiều ngược lại, cho rằng tất cả những điều này thực chất chỉ là bong bóng mà không hề có bất kỳ giá trị nội tại nào.
Nhưng cũng giống như những đóa hoa Tulip Hà Lan ngày xưa, hay những bông hoa Lan đột biết ngày nay, NFT có mang trong mình một tiềm năng lớn, chính vì vậy mới bị lợi dụng và thổi phồng như thời gian vừa qua.
Giá trị thứ nhất của NFT là hoàn thiện hệ thống tài chính kỹ thuật số. Giống như thế giới thực, tiền tệ không thôi thì sẽ không đủ cho nền kinh tế vận hành, mà còn phải cần các dạng tài sản có thể giao dịch bằng tiền - như nhà cửa, xe cộ và đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Thì ở thế giới kỹ thuật số, bên cạnh tiền mã hóa, cần phải có thêm các tài sản khác có thể giao dịch để hoàn thiện hệ thống tài chính. Đó là các NFT.
Hệ thống này bây giờ đã sẵn sàng để đưa vào hoạt động: những gã khổng lồ công nghệ như Facebook nếu muốn biến giấc mơ metaverse (vũ trụ số) của mình thành hiện thực, thì tiền số và NFT chắc chắn sẽ là phần quan trọng trong đó.
Giá trị thứ hai của NFT là công cụ tuyệt vời cho thị trường nghệ thuật. Nói đến vũ trụ số thì còn quá xa vời. Ứng dụng khả thi nhất cho NFT trong thời điểm hiện tại là thị trường nghệ thuật, cụ thể là các tác phẩm nghệ thuật mang ra đấu giá. NFT với đặc điểm chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm và dễ dàng xác minh được chủ sở hữu, việc đánh cắp những tác phẩm nghệ thuật tỏ ra tỏ ra không còn mấy ý nghĩa - vì sẽ không ai muốn bỏ hàng triệu đô để mua lại một thứ không bao giờ thuộc về mình.
Hiện nay thị trường nghệ thuật NFT mặc dù đang bị thổi bong bóng quá đà, thế nhưng khi bong bóng bị xì hơi, những hoạt động hiện tại sẽ là nền tảng cho thiên đường mà các nghệ sĩ vẫn hằng mơ ước đến: Có một nơi để tự do đăng tác phẩm của mình lên, được trả phí xứng đáng và không lo sợ bị sử dụng lậu/ăn cắp.
Ngoài ra, NFT chạy trên các hệ thống Blockchain có thể được tạo ra để đánh dấu quyền sở hữu các tài sản thuộc thế giới thực. Các tổ chức quản lý hoàn toàn có thể sử dụng blockchain như một hệ thống quản trị tài sản mới - tiềm năng rất cao trong những ngành "mập mờ" và khó quản lý như bất động sản.
Khi nào thì giá trị thực mới được phát huy?
Hiện nay thị trường nghệ thuật NFT mặc dù đang bị thổi bong bóng quá đà
Kể từ khi NFT bước chân ra khỏi lãnh địa của kỹ thuật mà bước vào lãnh địa của xã hội, cách sử dụng và hiệu ứng nó gây ra gần như không thể lường trước. Ứng dụng đầu tiên của NFT - không nghi ngờ gì nữa - là tạo bong bóng. Những người giàu lên từ NFT cũng đã giàu lên. Những ai tán gia bại sản vì nó thì chuyện cũng đã rồi.
Nhiều người nói rằng thị trường NFT (và tiền kỹ thuật số) đã sụp đổ. Nhưng cũng đúng khi nói rằng mọi chuyện bây giờ mới thực sự bắt đầu. Vậy, câu hỏi quan trọng nhất là:
Liệu sau đợt bong bóng này, NFT có thể thoát ra khỏi trò chơi của những con bạc mà thật sự phát huy được giá trị thực sự của mình không?