Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VPBank chốt phương án dùng gần 36.000 tỷ từ bán cổ phần cho SMBC Group

Tuần này, có 28 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 6 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 2 doanh nghiệp phát hành thêm, 2 công ty trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công bán 31 triệu cổ phiếu SBT, Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương rút hồ sơ chào bán hơn 84 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu...

Từ ngày 10 - 14/7, có 38 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 28 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt , 6 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 2 doanh nghiệp phát hành thêm và 2 công ty trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt.

Cụ thể, ngày 12/7, Công ty CP Dược phẩm Trung Ương 3 (mã chứng khoán: DP3) chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Dược phẩm Trung Ương 3 sẽ phát hành 12,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành là 100:150, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận về 150 cổ phiếu mới. Sau phát hành, DP3 sẽ tăng vốn điều lệ từ 86 tỷ đồng lên 215 tỷ đồng.

Hồi tháng 3, DP3 đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 80%.

VPBank chốt phương án dùng gần 36.000 tỷ từ bán cổ phần cho SMBC Group - Ảnh 1.

Dược phẩm Trung Ương 3 sẽ phát hành 12,9 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Vào ngày 14/7, Công ty CP CNG Việt Nam (mã chứng khoán: CNG) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Theo đó, CNG Việt Nam sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng. Với 27 triệu cổ phiếu đang niêm yết, CNG Việt Nam sẽ chi khoảng 54 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là vào ngày 8/8/2023. Đồng thời, CNG Việt Nam sẽ phát hành khoảng 8,1 triệu cổ phiếu thêm cho cổ đông theo tỷ lệ 100:30.

Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi - mã chứng khoán: CAV) thông báo, ngày 14/7 sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền đợt 3/2022. Theo đó, Cadivi sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 40%. Với gần 57,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cadivi sẽ chi khoản 230 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 13/7 và thời gian thanh toán cổ tức là ngày 28/7/2023.

Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã chứng khoán: SMB) cũng thông báo tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt. Ngày chốt quyền của đợt trả tạm ứng cổ tức là 18/7. Ngày chi trả cổ tức là ngày 28/7. Với hơn 29,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SMB sẽ chi gần 75 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) vừa có Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền của cổ đông. Theo đó, VPBank lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2023 về việc cụ thể hóa phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngày đăng ký cuối cùng là 20/7/2023. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7/2023.

VPBank chốt phương án dùng gần 36.000 tỷ từ bán cổ phần cho SMBC Group - Ảnh 2.

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 với giá 30.160 đồng/cổ phiếu.

Trước đó vào ngày 27/3, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, thuộc tập đoàn tài chính SMFG. Thoả thuận này đã đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 với giá 30.160 đồng/cổ phiếu, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng đã nhận đặt cọc 10% (3.950 tỷ đồng), phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài. Dự kiến trong tháng 7 - 8 VPBank sẽ hoàn tất thương vụ, đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn.

Nhộn nhịp bán cổ phần

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn TNT (mã chứng khoán: TNT) đăng ký bán lần lượt 4 triệu và 1,4 triệu cổ phiếu TNT trong cùng thời gian từ 10/7 - 8/8. Cụ thể, ông Nguyễn Bá Huấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc TNT đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu do nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu bán thành công, ông Huấn không còn là cổ đông lớn của TNT khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,43% vốn điều lệ xuống còn 0,59% vốn điều lệ.

Tương tự, ông Lưu Quang Minh - Tổng giám đốc TNT đăng ký bán 1,4 triệu cổ phiếu để chi tiêu cá nhân. Hiện tại, ông Minh sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu TNT. Nếu bán thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Minh tại TNT giảm xuống 100.000 cổ phiếu.

Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công - cổ đông lớn nhất của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT) đăng ký bán thỏa thuận hơn 31 triệu cổ phiếu SBT từ ngày 11/7 đến 9/8/2023 với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

 

Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công tại SBT sẽ giảm từ 25,95% vốn điều lệ xuống còn 21,86% vốn, tương đương gần 167 triệu cổ phiếu. Ước tính, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công thu về khoảng 487 tỷ đồng từ thương vụ này.

Cổ phiếu thuộc "họ APEC" huỷ kế hoạch chào bán 84 triệu cổ phiếu

HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina. Theo HoSE, nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do POM chưa họp đại hội cổ đông thường niên, dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trước đó, HoSE đã đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo từ ngày 12/5/2023 do công ty có lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 là hơn 444 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty trên cũng chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

VPBank chốt phương án dùng gần 36.000 tỷ từ bán cổ phần cho SMBC Group - Ảnh 3.

HoSE vừa ra quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina.

Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) vừa thông qua việc rút hồ sơ chào bán hơn 84 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại “nhóm APEC”.

API đưa ra nguyên nhân là do thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông. Hội đồng quản trị sẽ xem xét thời điểm phù hợp để tiếp tục triển khai phát hành cổ phiếu trong thời gian tiếp theo.

Theo kế hoạch ban đầu, API dự kiến chào bán hơn 84 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của API sẽ tăng gấp đôi, lên gần 1.682 tỷ đồng.

Gần đây, API là cổ phiếu có liên quan đến vụ án thao túng chứng khoán tại “nhóm APEC” gồm Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS), Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...