Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sốt ruột vì tín dụng tăng trưởng ì ạch

Nguyên nhân nào khiến tín dụng tăng trưởng yếu trong suốt 5 tháng đầu năm. Doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may đang mòn mỏi chờ đợi từng đơn hàng.

Sốt ruột vì tín dụng tăng trưởng ì ạch

Tín dụng tăng trưởng yếu trong những tháng đầu năm. Ảnh: Trà My

Áp lực xuất khẩu giảm, tiêu dùng yếu khiến doanh nghiệp không mặn mà đi vay

Ba lần giảm lãi suất điều hành, cho phép giãn hoãn nợ, bơm thanh khoản thị trường… Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đến nay tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.

Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Nói về ba nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: “Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lí, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút”.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia World Bank cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu.

“Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lí ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài” - chuyên gia World Bank nói.

Hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu

“Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái” - ông Phạm Thanh Hà cho biết.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

Về phía doanh nghiệp dệt may đang mòn mỏi chờ từng đơn hàng. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết: “Từ cuối quý III/2022, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may giảm 15%, đơn giá giảm 20-30%, thậm chí 40-50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho biết: “Cái khó hiện nay của doanh nghiệp không phải ở vấn đề lãi suất mà khó ở dòng tiền bán hàng. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu khó ở việc đơn hàng xuất khẩu nên họ không có dòng tiền kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước khó ở tiêu dùng nội địa”.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/sot-ruot-vi-tin-dung-tang-truong-i-ach-1200854.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết