PVcomBank: Lợi nhuận quý I/2022 tăng mạnh, gấp 3 lần so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022. Lợi nhuận của PVcomBank ghi nhận tích cực trong quý I, gấp 3 lần cùng kỳ.
Báo lãi quý I gấp 3 lần cùng kỳ năm trước
Quý I/2022, PVcomBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 45,4 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng mạnh từ các mảng như hoạt động dịch vụ, chứng khoán đầu tư,…
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) |
Tổng thu nhập hoạt động của PVcomBank ghi nhận tăng trưởng hơn 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 15,9% mang về hơn 591 tỷ đồng.
Nhiều mảng hoạt động ghi nhận tăng trưởng mạnh về lãi thuần như chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 269,4% và 666% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 56,1% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ hơn 78 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 20 tỷ đồng; thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đạt mức 4,2 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng tăng vọt so với cùng kỳ năm trước (gấp 7,5 lần), ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên xấp xỉ 247 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế còn lại chỉ đạt hơn 45 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 193.396 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng tăng 2,4% đạt 90.887 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 158.193 tỷ đồng, tăng 5,7%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 3,49%, không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ, với 3.171 tỷ đồng nợ xấu, tăng 2,2%.
Năm 2022, PVcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 93,1 tỷ đồng tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2021. Doanh thu hợp nhất đạt 14.373 tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm trước.
Dành 32,4% vốn mua trái phiếu Novaland
Pvcombank là một trong những ngân hàng đổ khá nhiều vốn vào bất động sản. Tại thời điểm cuối quý 1/2021, dư nợ của Pvcombank vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 9.919 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 10.026 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực này giảm từ 11,3% xuống còn 10,9%.
Tuy nhiên, trên thực tế, dòng vốn chảy vào bất động sản có thể còn nhiều hơn con số này vì tiền vào bất động sản có thể thông qua kênh “vay tiêu dùng”.
Ngoài ra, một phần vốn rất lớn của Pvcombank được chuyển vào bất động sản thông qua kênh trái phiếu. Chỉ riêng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), Pvcombank đã rót tới 10% vốn.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, tại thời điểm cuối quý, Novaland có hơn 12.255 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn, 32.960 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Pvcombank là một trong những ngân hàng chi hàng ngàn tỷ đồng mau trái phiếu của Novaland.
Trong đó, ở trái phiếu ngắn hạn, Pvcombank - Chi nhánh Sài Gòn đã mua 3 gói trị giá 450 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 175 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 11,75% tới 12,5%/năm. Tài sản đảm bảo là cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các cổ đông.
Ở trái phiếu dài hạn, Pvcombank - Chi nhánh Sài Gòn có các gói 650 tỷ đồng, 470 tỷ đồng, 250 tỷ đồng, Pvcombank - Chi nhánh TP.HCM rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu Novaland.
Như vậy, thông qua kênh trái phiếu, cả hệ thống Pvcombank đã rót 3.445 tỷ đồng vào Novaland, chiếm tới 32,4% vốn chủ sở hữu ngân hàng.
Hồi đầu tháng 4/2022 sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố và 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh phát hành bị hủy bỏ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu, đặc biệt là của doanh nghiệp bất động sản.
Hùng Dũng