Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chứng khoán Maybank: Tăng lãi suất sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế

Trong báo cáo chiến lược đầu tư mới đây, Chứng khoán Maybank đưa ra nhận định về vĩ mô rằng, tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý 2/2022, đạt 7,72% là một trong những thành công ban đầu của quá trình mở cửa kinh tế của đất nước. Nhưng tăng trưởng kinh tế đi kèm với lạm phát gia tăng, dẫn tới lo ngại về khả năng tăng lãi suất của chính sách.

Chứng khoán Maybank: Tăng lãi suất sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế

Chứng khoán Maybank: Tăng lãi suất sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế

Từ góc độ thị trường tín dụng, Maybank cho rằng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều tăng 40 điểm cơ bản vì 2 lý do chính. Một là người gửi tiền yêu cầu tỷ lệ tiết kiệm cao hơn để bù đắp lạm phát gia tăng. Lạm phát đã tăng lên 3,37% trong tháng 6 (từ 2,86% trong tháng 5 và 2,64% trong tháng 4). Các mặt hàng phi giao thông đóng góp 1,30% vào lạm phát chung (so với 1,08% trong tháng 5 và 1,04% trong tháng 4). Đặc biệt, một số mặt hàng dịch vụ như ăn uống (+4,48%), văn hóa, giải trí và du lịch (+ 3,4%) tăng nhanh nhờ nhu cầu nội địa dồn nén.

Khi lạm phát tăng lên, người gửi tiền yêu cầu lãi suất huy động cao hơn để duy trì sức mua của họ. Do đó, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng hiện hữu cũng như thu hút khách hàng gửi tiền mới nhằm tạo nguồn vốn cho tăng trưởng cho vay.

Hai là nhu cầu tín dụng mạnh. Tính đến ngày 20/06/2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng 8,51% so với đầu năm, chỉ thấp hơn 6 tháng đầu năm 2017 là 9,1% trong 10 năm qua. Nhu cầu tăng mạnh do mở cửa trở lại đã giúp một số ngân hàng gần như đạt hạn mức tín dụng cả năm chỉ sau 6 tháng, do đó có thể lựa chọn những khách hàng vay có xếp hạng tín nhiệm cao và sẵn sàng trả lãi suất cao hơn.

Chứng khoán Maybank: Tăng lãi suất sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế

Nhu cầu tín dụng mạnh (6 tháng 2022 chỉ đứng sau 6 tháng 2017) giúp người cho vay có thể yêu cầu lãi suất cao hơn. Nguồn: Maybank IBG Research

Khi kỳ nghỉ hè đang đến gần, chắc chắn rằng giá dịch vụ sẽ tăng hơn nữa, đẩy lạm phát mạnh vượt ngưỡng 4% trong vài tháng tới. Mặc dù lạm phát trung bình sẽ được duy trì trong mức mục tiêu 4% của NHNN (3,7% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023) nhưng sự tăng vọt này sẽ làm tăng áp lực lên lãi suất huy động trong những quý tới.

Đối với lãi suất cho vay, mức tăng lãi suất có thể là cộng thêm một số điểm cơ bản cao hơn so với lãi suất huy động tùy thuộc vào dư địa tín dụng của từng ngân hàng. Theo quan điểm của NHNN, hệ thống hạn ngạch tín dụng vẫn là một công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn lãi suất (tăng lãi suất tái cấp vốn chỉ là một động thái mang tính biểu tượng hơn là lập trường thắt chặt thực tế).

Với mức tăng trưởng tín dụng 8,51% trong nửa đầu năm và 5,49% trong 2 quý cuối năm (mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm), áp lực tăng sẽ đè lên người vay nếu NHNN không điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên hơn mức 14%.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng vượt mục tiêu 6,0-6,5% của NHNN (tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2022 có khả năng cao hơn mức 6,42% của 6 tháng đầu năm 2022 do mức so sánh thấp của 6 tháng cuối năm 2021) trong khi lạm phát đang gia tăng, NHNN sẽ tiếp cận phương pháp chờ xem trong quý 3, trước khi thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào trong quý 4.

Nhìn chung, Maybank cho rằng lãi suất (tiền gửi và cho vay) sẽ tăng thêm 30 điểm cơ bản nữa trong 2 quý cuối năm hoặc 70 điểm cơ bản trong cả năm 2022. Mặc dù vậy, ngay cả khi lãi suất tăng 70 điểm cơ bản trong năm nay, thì lãi suất sẽ không quay trở lại mức trước đại dịch. Ngoài ra, các công ty bị ảnh hưởng bởi Covid vẫn sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% (đối với các khoản thanh toán lãi đến hạn từ ngày 20/05/2022 đến ngày 31/12/2023 cho tổng khoản vay lên đến 2 triệu tỷ đồng ~ 18% tổng dư nợ) và các công ty này sẽ có đủ thời gian để phục hồi. Do đó, việc tăng lãi suất sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.

Về mặt hoạch định chính sách, lập trường của NHNN có thể sẽ thận trọng hơn trong 2 quý cuối năm do lạm phát gia tăng nhưng chưa phải là “diều hâu” (thắt chặt) vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm được đưa ra vào đầu năm nay không đổi ở mức 14% (trừ khi NHNN hạ thấp mục tiêu này).

Mặc dù chỉ còn 5,5% dư địa tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm khi nền kinh tế có khả năng hấp thụ nhiều nguồn vốn hơn nữa để phục hồi nhanh hơn sau đại dịch, nhưng mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm vẫn bằng mức của năm 2018 và 2019, khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%, tốc độ nhanh nhất trong 10 năm. Tăng trưởng GDP cao hơn cho mỗi 1% tăng trưởng tín dụng phải là điều mà Chính phủ đang hướng tới. Do đó, tăng trưởng tín dụng 14% là mức tốt cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong trung hạn.

Nguyên Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết