Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các ngân hàng ngồi lại để quán triệt triển khai hỗ trợ lãi suất

Sáng 27/5, đại diện các ngân hàng thương mại sẽ cùng ngồi lại để bàn triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, theo lịch của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết sẽ tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Hội nghị diễn ra sáng 27/5, nhằm quán triệt, triển khai nhiệm vụ nội dung của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tới từng địa phương nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú sẽ chủ trì hội nghị này.

Trước đó, bắt nhịp ngay với Chính phủ, sau khi Nghị định 31 được ban hành, NHNN ngay cùng ngày 20/5 cũng ban hành Thông tư 03 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất. Cũng như Nghị định 31, thông tư của NHNN có hiệu lực ngay ngày ký để nhanh chóng hoàn thiện khung quy định, đưa chính sách đi vào thực tiễn.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm có quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nhằm góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn hậu COVID-19, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.

Theo ước tính trước đó của Bộ Tài chính, với 40.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho vay 2%/năm, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn vay trong diện được ưu đãi này. Chương trình được thực hiện trong năm 2022 và 2023, theo đó tổng quy mô các vòng quay có thể lên tới khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ.

Theo Nghị định 31 của Chính phủ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất cần thuộc một trong hai trường hợp.

Thứ nhất, có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Theo đó, đối tượng bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.

Thứ 2, có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...