Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không khí Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức báo động cao, không có dấu hiệu giảm

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Dự báo, trong thời gian tới, mức độ ô nhiễm sẽ giảm, nhưng vẫn tiếp diễn. Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe.

Không khí Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức báo động cao, không có dấu hiệu giảm

Một trong những giải pháp giảm ô nhiễm không khí cho Hà Nội là giảm phát thải CO2 và ô nhiễm từ động cơ chạy xăng. Ảnh: Hải Nguyễn

Không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

Liên tục những ngày gần đây, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) ở ngưỡng cao như ngày 7.1 là 272 - mức tím, ngày 8.1 là 219 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người. Nhiều ngày qua, Hồ Tây (Hà Nội) vẫn là khu vực xếp đầu về ô nhiễm. Đây đều là những chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.

Từ 10-12.1, do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc, chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình). Tuy nhiên, khoảng đầu tuần tới, ô nhiễm không khí có thể quay lại miền Bắc.

Báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu. Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết.

Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong khu vực miền Bắc, mức độ bụi PM2.5 thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí thường xảy ra trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về, với mức độ gia tăng đột biến vào ban đêm và sáng sớm. Đến cuối tháng 10 năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó có 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và 1 đợt vào đầu tháng 10.

TS Hoàng Dương Tùng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh...

Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng nhận định, Hà Nội chưa kiểm soát được nguồn thải gây ô nhiễm. Không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động đỏ hoặc tím nhưng điều nguy hiểm hơn nằm ở xu hướng ô nhiễm luôn tăng mà không có dấu hiệu giảm xuống. Điều này sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng người già và trẻ em.

Hà Nội nhiều ngày chìm trong màn sương mờ đục vì ô nhiễm.  Ảnh: Việt Anh

Hà Nội nhiều ngày chìm trong màn sương mờ đục vì ô nhiễm. Ảnh: Việt Anh

Nguy cơ mắc bệnh do không khí ô nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Đặc biệt, có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Theo khuyến cáo, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây tác hại lâu dài cho tế bào phổi và đáp ứng viêm nhiễm. Tác hại đến hệ tim mạch: Các hóa chất độc hại và bụi siêu mịn trong không khí ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ tim mạch. Khi hút phải các hạt bụi mịn, chúng có thể đi vào máu, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và gây xơ cứng động mạch. Tác động đến hệ thần kinh: Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh...

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI.

Khi chỉ số AQI chất lượng không khí ở mức kém đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm người nhạy cảm, cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.

Vì một thủ đô xanh

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Hà Nội phải có những giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đối với từng nguồn phát thải. Ví dụ, với những làng nghề tái chế, khi đã xác định phát thải gây ô nhiễm thì phải có biện pháp hạn chế.

Với giao thông, rất nhiều chính sách như hình thành vùng phát thải thấp, ưu tiên giao thông công cộng, chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện... đã được đưa ra. Với rác thải, cần có cơ chế để xử lý chuyên nghiệp hơn, vừa giảm phát thải vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng cần sự chung tay góp sức của người dân. Người dân nên chủ động giảm những hành vi phát thải dân sinh như đốt rơm rạ đồng ruộng, đốt rác thải, đốt tiền vàng. Các chính sách của Nhà nước về giảm phát thải cần người dân thấu hiểu và hưởng ứng.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND triển khai phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, với quyết tâm mạnh mẽ và cam kết tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường. Kế hoạch nhằm kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Những ngày qua, nhiều địa phương trên toàn Thành phố Hà Nội đã ra quân triển khai phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” với những mô hình mới, cách làm sáng tạo như: Chương trình “Cuối tuần xanh”, mô hình “Phân loại rác tại nguồn”, chiến dịch “Hồi sinh sông hồ Hà Nội”, “Ven hồ không rác”… với sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân.

TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho biết, chúng ta nên đẩy mạnh phát triển giao thông theo hướng xanh sạch, bền vững. Theo đó, cần kiểm soát các loại xe cũ, giảm phát thải ra môi trường đồng thời, chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân, công cộng sử dụng xăng, dầu sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh.

Để giảm ô nhiễm không khí, chuyên gia khuyến khích sử dụng xe điện, phương tiện thân thiện với môi trường nhờ giảm phát thải CO2 và ô nhiễm từ động cơ đốt trong. Xe điện không chỉ giảm khói bụi mà còn giảm tiếng ồn, tạo không gian sống trong lành. Với hệ thống sạc phủ rộng, xe điện sẽ trở thành xu hướng, mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững môi trường.

Phát động chiến dịch Vì Thủ đô trong xanh

Sáng 10.1, Tập đoàn Vingoup phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có về ô nhiễm không khí, nhiều thời điểm được IQAir xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Vấn nạn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người dân Thủ đô, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc bảo vệ môi trường sống và xây dựng một tương lai bền vững cho thành phố được mệnh danh là Trái tim của cả nước.

Trước thực trạng đó, Tập đoàn Vingroup chính thức phát động chương trình “Vì Thủ đô trong xanh”, mở đầu cho chuỗi hoạt động thiết thực để tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đưa Hà Nội thực sự trở thành hình mẫu về một thành phố xanh, sạch và văn minh.

Đây cũng là bước đi tiếp theo của chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” do Tập đoàn Vingroup phát động từ tháng 6.2024, nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần hành động vì môi trường, đồng thời khẳng định cam kết của Vingroup trong quyết tâm đồng hành cùng chính quyền và người dân Thủ đô kiến tạo một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn.

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Đẩy nhanh áp dụng Luật Thủ đô vào thực tiễn

Thời gian qua, Hà Nội liên tục lọt Top thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, mây mù thấp khiến tình trạng bụi mịn không thoát ra được.

Về nguyên nhân chủ quan, Hà Nội là thành phố có mật độ ôtô, xe máy rất cao. Vào thời gian cao điểm, nhiều phương tiện giao thông cùng tham gia một lúc khiến khói bụi dày đặc. Trong khi đó vấn đề kiểm soát lượng xe ra vào công trình xây dựng, nơi có nhiều bụi mịn chưa được kiểm soát tốt… Đây là những nguyên nhân khiến môi trường ô nhiễm.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Trần Văn Miều kiến nghị, ngoài các giải pháp chung là đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng Luật Thủ đô.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Luật Thủ đô là áp dụng vùng phát thải thấp. Đây là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí. Một trong những nội hàm của quy định này là Hà Nội sẽ hạn chế xe xăng, xe có tỉ lệ phát thải cao vào khu vực nội đô như Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm…

Với vai trò là nhà khoa học, bản thân ông rất mong chờ các quy định này được thực hiện. Khi chính sách đi vào cuộc sống mới có cơ sở khoa học để điều chỉnh và nhân rộng vùng phát thải thấp khu vực Hà Nội tới đây.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: Kiểm soát xe máy cũ

Một trong những giải pháp mới nhằm giảm ô nhiễm môi trường giao thông tới đây, cơ quan chức năng sẽ siết quản lý khí thải xe máy.

Qua khảo sát thực tế kiểm tra khí thải cho khoảng 20.000 xe môtô xe gắn máy tại 3 thành phố (Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng) cho thấy đối với các xe máy có thời gian sử dụng dưới 5 năm (tính theo năm sản xuất, đến thời điểm thực hiện kiểm tra khí thải) mức phát thải chất gây ô nhiễm (HC, CO; theo TCVN 6438:2018), hầu như có sự thay đổi không lớn, có thể đáp ứng các mức tiêu chuẩn khí thải tại TCVN 6438:2018.

Đối với các xe có thời gian sử dụng trên 5 năm, phát thải chất gây ô nhiễm có sự gia tăng đáng kể, phụ thuộc vào chế độ bảo dưỡng và tần suất sử dụng phương tiện của chủ xe.

Đối với xe môtô, xe gắn máy quá cũ (thời gian sử dụng trên 12 năm); kết quả kiểm tra thực tế cho thấy tỉ lệ phát thải chất gây ô nhiễm tăng cao. Theo ông Nguyễn Tô An, để phòng ngừa việc phát thải chất gây ô nhiễm, cần chú trọng thực hiện việc kiểm tra khí thải hằng năm với loại xe này nhằm nâng cao ý thức bảo dưỡng phương tiện của người dân.

Từ sự nghiên cứu trên, cơ quan chức năng tập trung siết quản lý khí thải với xe máy, nhất là các xe máy cũ, sử dụng thời gian dài. Theo đó, Cục Đăng kiểm đã tham mưu Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 15.11.2024 trong đó quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy.
Như vậy việc kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ nói chung và của xe môtô, xe gắn máy nói riêng trên địa bàn cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ được áp dụng thời gian tới đây. Giải pháp cụ thể này hy vọng phần nào giảm thải ô nhiễm tại Thủ đô.

Nhóm PV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...