Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trước khi bán "bò Lào đặc sản", bầu Đức từng bán "bò Úc đặc sản" như thế nào?

Đàn bò 250.000 con của Bầu Đức từng là giải pháp giúp Hoàng Anh Gia Lai giải quyết câu chuyện thanh khoản cách đây hơn 5 năm. Tuy phải dừng lại khá sớm, nhưng Bầu Đức khẳng định Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò rất hiệu quả.

Cách đây hơn 1 tuần, tại buổi ra mắt kênh thương mại điện tử, ông Đinh Văn lộc, Giám đốc Bapi HAGL đã tiết lộ công ty đang có kế hoạch bán 100.000 con bò Lào đặc sản trong năm 2023. Điều này nằm trong chủ trương của Bầu Đức: Đa dạng thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.

Đây không phải lần đầu tiên Bầu Đức bán bò. Thực tế, đàn bò từng là cứu cánh giúp Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức không rơi vào tình trạng mất thanh khoản giai đoạn 2015-2018.

Lúc bấy giờ, tình hình kinh doanh của HAGL gặp nhiều khó khăn do vay nợ lớn, kéo theo đó là áp lực trả lãi vay ngày càng gia tăng. Bầu Đức đã tốn rất nhiều tiền để đầu tư vào cao su, với tầm nhìn dài hạn, cao su sẽ đem về lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, tính toán của bầu Đức không được như ý, khi giá cao su từ đỉnh cao 280 cents/pound vào tháng 2/2011 giảm sâu xuống chỉ còn 55 cents/pound sau 5 năm.

Đứng trước áp lực thanh khoản lớn, bầu Đức đã tìm tới các giải pháp ngắn hạn, mà cụ thể là bán bò, chủ yếu nhập từ Australia. Năm 2015, HAGL đã nhập về trên 120.000 con, trong đó tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, HAGL nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con.

Quý 2/2015, HAGL lần đầu tiên công bố doanh thu bán bò, đạt tới 766 tỷ đồng và sang quý 3/2015 tăng tiếp lên tới 1.379 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận mảng bán bò của HAGL cũng ở mức rất cao, đạt 38% và 29% trong 2 quý nói trên.

1.png

Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghĩ về tương lai tươi sáng cho HAGL. Thế nhưng, những số liệu kinh doanh bò các năm sau trở nên sa sút. Dù vẫn duy trì mức doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trong các quý của năm 2016, nhưng biên lợi nhuận từ đàn bò của bầu Đức cứ giảm dần và đến quý 4/2016 chỉ còn 5%, mức thấp kỷ lục.

Nguồn thu chủ lực không đạt hiệu quả, HAGL báo lỗ sau thuế 1.500 tỷ đồng trong năm 2016 và doanh thu từ bán bò cũng giảm sâu từ năm 2017, 2018 và trở về 0 từ năm 2019.

Thế nhưng, bầu Đức cho rằng, bán bò thực ra đem lại hiệu quả rất cao. " Chẳng qua thời đó HAGL mất thanh khoản nên không làm được, bán con bò nào ngân hàng siết nợ thì làm sao nổi",  Bầu Đức nói tại Đại hội cổ đông HAGL Agrico năm 2022.

2.png

Giờ đây, khi áp lực thanh khoản đã được tháo gỡ, kết quả kinh doanh dần đi vào ổn định, việc mở rộng thêm bò và cả gà có thể sẽ giúp doanh thu Hoàng Anh Gia Lai tăng cao trong thời gian tới. Hiện nay, Hoàng Anh Gia Lai có 2 sản phẩm chủ lực, là trái cây (chủ yếu là chuối) và thịt lợn. Trong đó, 70% sản lượng chuối tháng 10 vừa qua dành cho lợn ăn.

Số liệu 10 tháng năm 2022 của công ty cho biết, doanh thu năm nay đã đạt 3.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.001 tỷ đồng.

1-1668333982955-16683339830303906717.png

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...