Sau khi lập kỷ lục kinh doanh tốt nhất 61 năm, PVN lên kế hoạch lợi nhuận giảm gần 60% năm 2023
Năm 2023, với phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN đặt kế hoạch lợi nhuận 34 nghìn tỷ đồng, giảm gần 60% so với kết quả năm 2022.
Báo cáo kết quả 2022, Petrovietnam cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021. Lợi nhuận là 82,2 nghìn tỷ đồng, vượt 3,3 lần kế hoạch năm, tăng 59% so với thực hiện năm 2021.
Đây là kết quả kỷ lục trong 61 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn, vượt mức kỷ lục doanh thu trước đây của năm 2012 đạt 773,7 nghìn tỷ đồng và vượt kỷ lục lợi nhuận năm 2013 đạt 70,63 nghìn tỷ đồng.
Tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, vượt 21,2% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2021. Hoàn thành đưa vào khai thác 05 mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn 01 công trình so với kế hoạch (sớm hơn so với kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng).
Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày, năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021, trong đó: Khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn (vượt 28%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021 - Đây là kỷ lục thời gian hoàn thành kế hoạch sớm nhất, là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh suy giảm sản lượng của hầu hết các lô/mỏ hiện nay.
Khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 1 ngày, năm 2022 đạt 1,86 triệu tấn, vượt 157 nghìn tấn (vượt 9,2%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021.
Sản lượng khai thác khí đạt 8,08 tỷ m3, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2021. Sản lượng khí khô năm 2022 đạt 7,71 tỷ m3, tăng 8,0% so với năm 2021.
Sản lượng điện năm 2022 đạt 17,64 tỷ kWh, tăng 10,2% so với năm 2021. Một số dự án điện chậm tiến độ, gặp khó khăn tích tụ từ nhiều năm trước đã được tích cực triển khai và đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vận hành thương mại ngày 13/5/2022; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã cơ bản hoàn thành, phát lên lưới điện quốc gia trên 400 triệu kWh.
Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 14 ngày; năm 2022 đạt 1,84 triệu tấn, vượt 244 nghìn tấn (≈ vượt 15%) kế hoạch năm, tăng 9,2% so với thực hiện năm 2021 - Đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Petrovietnam có sản phẩm đạm đầu tiên vào quý IV/2004 đến nay.
Xuất khẩu đạm của Tập đoàn đạt mức kỷ lục với sản lượng 606 nghìn tấn, tăng 2,1 lần so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 36% sản lượng xuất khẩu phân bón cả nước, 37,4% kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Sản xuất xăng dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 7 ngày; năm 2022 đạt 6,96 triệu tấn, vượt 784 nghìn tấn, (≈ vượt 13%) kế hoạch năm, tăng 9,1% so với thực hiện năm 2021 - Đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại từ ngày 01/6/2010 đến nay.
Kế hoạch kinh doanh 2023
Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2023, cụ thể: Gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn: 08-16 triệu tấn quy dầu; Khai thác dầu: 9,29 triệu tấn, cao hơn 520 nghìn tấn so với KH 2022; Khai thác khí: 5,94 -8,11 tỷ m3, cao hơn thực hiện năm 2022; Sản xuất đạm: 1,60 triệu tấn; Sản xuất điện: 24,0 tỷ kWh cao hơn 6,69 tỷ kWh so với thực hiện năm 2021; Sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn): 5,53 triệu tấn.
Với phương án giá dầu năm 2023 đã được Quốc hội thông qua là 70 USD/thùng; các chỉ tiêu kế hoạch tài chính của Tập đoàn năm 2023 như sau: Doanh thu toàn Tập đoàn (không gồm NSRP): 677,7 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận Hợp nhất Tập đoàn: 34,0 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 78,3 nghìn tỷ đồng.