HoSE chỉ còn 34 công ty vốn hóa hơn tỷ USD
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán đã khiến danh sách vốn hóa trên 1 tỷ USD bị thu hẹp đáng kể. Toàn sàn HoSE hiện chỉ còn 34 công ty vốn hóa hơn tỷ USD, thấp hơn so với con số 39 của tháng 9 và 46 của thời điểm đầu năm.
Theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thị trường chứng khoán tiếp tục biến động xấu trong tháng 10 khi VN-Index lao dốc về 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với tháng 9 và giảm 31,39% so với cuối năm 2021. Chỉ số VN30-Index cũng mất 10,87% so với tháng 9 xuống mức 1.026,84 điểm, tương ứng giảm 33,14% so với cuối năm 2021.
Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong tháng vừa qua đạt 11,51 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 240.446 tỷ đồng, tương đương tăng 9% về khối lượng và giảm hơn 10% về giá trị giao dịch so với tháng trước đó.
Giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt khoảng 38,37 triệu CW trong tháng với giá trị giao dịch bình quân hơn 7,92 tỷ đồng/phiên; tương ứng tăng 36,19% về khối lượng bình quân và giảm 44,19% về giá trị so với tháng liền trước.
Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 49.664 tỷ đồng, chiếm hơn 10,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.067 tỷ đồng.
Lưu ý rằng, sự lao dốc trên đã khiến danh sách vốn hóa trên 1 tỷ USD thu hẹp đáng kể. Toàn sàn HoSE chỉ còn 34 công ty vốn hóa hơn tỷ USD, thấp hơn so với con số 39 của tháng 9 và 46 của thời điểm đầu năm và hiện chỉ còn Vietcombank là đơn vị duy nhất có mức định giá trên 10 tỷ USD (giá trị cụ thể là 347.840 tỷ đồng). Theo sau là PV Gas với quy mô 214.640 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup đứng tại mức 211.292 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinhomes đã mất mốc 200.000 tỷ đồng khi rơi mạnh về 159.947 tỷ đồng.
Kịch bản chứng khoán tháng 11
Trước những diễn biến trên, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC cho rằng sẽ có hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 11.
Với kịch bản 1, khi tâm lý dần ổn định và lực cầu bắt đáy hình thành mặt bằng giá trên 1.000 điểm. VN-Index sẽ có nhịp kiểm tra lại cản 1.050 điểm của mô hình 2 đáy lệch với mục tiêu giá tại 1.100 điểm.
Động lực cho kịch bản này theo BSC là diễn biến tích cực của TTCK Mỹ và hoạt động giao dịch khối ngoại trong khi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong tầm kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy cuối năm. Bên cạnh đó, những thông tin rõ ràng hơn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường sau một thời gian dài điều chỉnh mạnh.
Trong kịch bản 2, BSC cho rằng diễn biến tỷ giá, lãi suất và thanh khoản trên thị trường TPDN tiếp tục căng thẳng. Đồng thời, các NHTW tiếp tục đẩy mạnh tăng lãi suất, chính sách zero covid tại Trung Quốc chưa nới lỏng và cuộc xung đột địa chính trị căng thẳng.
"Những yếu tố này có thể tạo nên tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới và dòng tiền tiếp tục phòng thủ ở các kênh tài sản ít rủi ro hơn. Điều này khiến VN-Index có thể mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và lui về các vùng điểm thấp hơn đáy 986 điểm", BSC dự báo.
Về chiến lược đầu tư, nhóm phân tích này khuyến nghị nên theo hướng đầu tư tích lũy thận trọng tại một số nhóm ngành có thể hưởng lợi bởi quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm nhóm có giá đã điều chỉnh đủ hấp dẫn, nhóm vay nợ ít và nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao, nhóm hưởng lợi nếu Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế (nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch).
Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi thêm các thông tin, diễn biến cập nhật về tình hình thế giới, quan điểm điều hành của các NHTW và khả năng Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.