Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý

Tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính còn 66.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20.000 tỷ so với cuối quý 3 và là mức thấp nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.

 

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 1.

Sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý 2/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong 2 quý liên tiếp sau đó. Theo thống kê, tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính giảm khoảng 20.000 tỷ so với cuối quý 3, xuống còn khoảng 66.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 quý trở lại đây. Tính chung trong nửa sau của năm 2022, tồn kho toàn ngành thép đã giảm khoảng 45.000 tỷ đồng.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 2.

Trong đó, “anh cả” Hòa Phát (HPG) tiếp tục là cái tên xả kho mạnh nhất trong quý cuối năm với lượng tồn kho giảm gần 9.400 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 31/12, với giá trị gần 34.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 1.236 tỷ đồng).

Không chỉ riêng Hòa Phát, tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã giảm mạnh trong quý 4. Trong đó, Hoa Sen Group (HSG), Thép Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Pomina (POM) có lượng tồn kho giảm đến hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua. So với con số kỷ lục cuối quý 2/2022, phần lớn các doanh nghiệp thép hàng đầu đã giảm khoảng 40-70% giá trị tồn kho, ngoại trừ NKG và Thép Tiến Lên (TLH) vẫn duy trì ở mức cao.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 3.

Động thái giảm mạnh tích trữ tồn kho của một loạt doanh nghiệp thép trong 2 quý liên tiếp phần nào phản ánh tình hình “thê thảm” của ngành mà Chủ tịch HPG Trần Đình Long từng cảnh báo từ hồi tháng 5 năm ngoái. Trước nhu cầu yếu, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng bớt các lò cao trong đó điển hình là trường hợp của Hòa Phát và Pomina.

Bối cảnh giá thép cũng không thuận lợi với nhiều biến động mạnh tại vùng giá thấp trong quý 4. Giá thép thanh tại Trung Quốc liên tục giảm sâu và có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 30 tháng vào cuối tháng 10 trước khi hồi phục. Thời điểm cuối năm 2022, giá mặt hàng này đã tăng 16% từ đáy nhưng vẫn còn thấp hơn khoảng 32% so với vùng đỉnh đạt được từ quý 3/2021.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 4.

Áp lực từ lượng tồn kho lớn, giá cao của các quý trước là yếu tố chính đẩy hàng loạt doanh nghiệp thép vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ nặng trong quý 4. Ước tính, tổng lợi nhuận ngành thép trong quý cuối năm 2022 vào khoảng âm 4.700 tỷ đồng, tương đương quý trước. Nhiều doanh nghiệp như HSG, NKG, TVN, POM,... đã giảm lỗ so với quý 3 trong khi một số cái tên như HPG, SMC,... lại thủng đáy lợi nhuận.

Tồn kho ở mức thấp vào cuối năm 2022 có thể sẽ hạn chế phần nào khả năng hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong quý tới khi giá thép đang duy trì xu hướng tăng sang đầu năm 2023.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 5.

Tín hiệu tích cực xuất hiện nhưng vẫn còn chông gai

Dù tiếp tục phá đáy lợi nhuận nhưng Hòa Phát lại tỏ ra khá lạc quan với tình hình ngành thép. Tập đoàn nhận định “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục” đồng thời nhấn mạnh đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.

Đánh giá của Hòa Phát không phải không có cơ sở khi ngành thép nói chung đang đón nhận một số tín hiệu tích cực. Giá than, nguyên vật liệu quan trọng nhất trong luyện thép đã quay đầu giảm mạnh sau thời gian dài neo cao vùng đỉnh. Điều này có thể sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của ngành thép thời gian tới.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 6.

Thêm nữa, thị trường thép cũng đang có dấu hiệu ấm dần lên khi sản lượng bán thép của Hòa Phát đã tăng trở lại trong tháng 12/2022 sau nhiều tháng sụt giảm trước đó. Theo Kallanish, tập đoàn đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Nguồn tin này cho biết, lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Trước đó, Hòa Phát đã đóng 3 lò cao trong 2 tháng cuối năm 2022.

Cũng theo nguồn tin trên, các lò cao của Hòa Phát không đóng hoàn toàn mà được duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể trong 2 tháng qua. Nhờ đó, quá trình khởi động lại sẽ ngắn hơn. Tập đoàn hiện cũng đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép.

Giảm khoảng 45.000 tỷ từ mức kỷ lục giữa năm 2022, tồn kho ngành thép xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý - Ảnh 7.

Mặt khác, tốc độ hồi phục được dự báo sẽ khá chậm. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu ước tính sẽ chỉ nhích nhẹ 1% trong năm 2023 và đạt 1.815 triệu tấn. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng phục hồi. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép trên toàn thế giới.

Tại thị trường trong nước, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu thép, đặc biệt là thép xây dựng. Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến chưa thể nóng lên ngay trong năm 2023 phần nào sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành thép.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...