Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cửa hàng ứng dụng là ‘máy in tiền’ của Apple: Chính sách phí ‘cắt cổ’ 30% thu về 27 tỷ USD/năm, mỗi lần quảng cáo xuất hiện sẽ kiếm vài tỷ USD, người dùng sẵn sàng chi tiêu gấp 7

Người dân tại các quốc gia giàu có dành khoảng 5 giờ mỗi ngày (gần 1/3 thời gian thức) để truy cập vào các ứng dụng.

Kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên đến được tay người tiêu dùng vào năm 2007, các ứng dụng dần trở thành sự lựa chọn để chạm tới thế giới số. Người dân tại các quốc gia giàu có dành khoảng 5 giờ mỗi ngày (gần 1/3 thời gian thức) để truy cập vào các ứng dụng. Trên toàn cầu, khoảng 3,5 tỷ người sử dụng chúng mỗi tháng.

Điều đó vô hình chung biến các cửa hàng ứng dụng trở thành công cụ kinh doanh sinh lợi cho Apple và Alphabet, những gã khổng lồ công nghệ có hệ điều hành iOS và Android cung cấp năng lượng cho phần lớn các thiết bị di động trên toàn thế giới. Ngược lại, bộ máy này thu hút sự chú ý của chính phủ.

Apple và Alphabet giữ kín các báo cáo tài chính về cửa hàng ứng dụng. Họ kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau, trong đó, chủ yếu là tính phí 30% khi cung cấp các loại hàng hóa kỹ thuật số. Sensor Tower, một công ty dữ liệu, ước tính rằng Apple đã thu về 27 tỷ USD trong khi Alphabet thu về 13 tỷ USD từ các khoản phí này vào năm ngoái. Cặp đôi này cũng kiếm được vài tỷ USD mỗi khi quảng cáo xuất hiện bên cạnh kết quả tìm kiếm trên cửa hàng ứng dụng.

Con số này có vẻ không nhiều khi so với tổng doanh thu gần 700 tỷ USD của Apple và Alphabet trong năm 2023, song hầu hết các khoản thanh toán cho cửa hàng ứng dụng đều được tính thẳng vào lợi nhuận.

Một nghiên cứu của Sensor Tower xuất bản vào năm 2021 cho thấy người dùng iPhone chi tiêu trung bình cao gấp 2 người dùng Android. Hai năm sau đó, khoảng cách trên đã được nới rộng đáng kể khi người dùng sở hữu iPhone có thể chi tiêu nhiều hơn gấp 7 lần cho các ứng dụng.

Theo các chuyên gia, Apple luôn cố gắng thuyết phục hàng trăm triệu người dùng ứng dụng chi tiền hàng tháng. Họ sẵn sàng đăng ký các dịch vụ bổ sung và khiến dịch vụ trở thành ‘máy in tiền’ cho Apple.

Cửa hàng ứng dụng là ‘máy in tiền’ của Apple: Chính sách phí ‘cắt cổ’ 30% thu về 27 tỷ USD/năm, mỗi lần quảng cáo xuất hiện sẽ kiếm vài tỷ USD, người dùng sẵn sàng chi tiêu gấp 7 - Ảnh 1.

Hệ sinh thái của Apple ‘rộng rãi’ một cách bất thường so với các tiêu chuẩn của ngành. Mọi thứ đều được tích hợp, cả phần cứng và phần mềm, vậy nên khiến khách hàng của Apple rất khó sử dụng thiết bị bên ngoài hoặc chuyển hoàn toàn sang một hệ sinh thái cạnh tranh.

“Tôi nghĩ mục tiêu của Apple hiện nay là thu được càng nhiều tiền càng tốt từ hệ sinh thái của mình”, nhà phân tích Horace Dediu nói.

Chính phủ đang tìm cách kiểm soát tốt hơn tình trạng này. Số lượng yêu cầu mà Alphabet nhận được từ giới chức quản lý và tòa án về việc xóa ứng dụng khỏi cửa hàng Google Play đã tăng từ 496 vào năm 2019 lên 1.743 vào năm ngoái. Vào năm 2022, Apple đã phải ngậm ngùi xóa 1.474 ứng dụng khỏi cửa hàng của mình vì những yêu cầu như vậy, tăng so với 558 ứng dụng vào năm 2019. Hầu hết đều đến từ chính phủ Trung Quốc. 

Vào tháng 4, chính phủ Trung Quốc yêu cầu Apple xóa các ứng dụng nhắn tin bao gồm WhatsApp và Telegram khỏi phiên bản địa phương của cửa hàng ứng dụng. Đổi lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại ký một đạo luật buộc các cửa hàng ứng dụng của Mỹ cấm TikTok nếu công ty mẹ Bytedance không thoái vốn hoạt động tại Mỹ trong vòng 9 tháng.

Bên cạnh việc cấm đoán, chính phủ cố gắng đưa ra nhiều chính sách chống độc quyền đối với các cửa hàng ứng dụng. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU buộc các công ty công nghệ cho phép các cửa hàng ứng dụng khác hoạt động trên điện thoại thông minh - điều mà trước đây Apple chưa từng cấp cho người dùng iPhone. Chính phủ Nhật Bản cố gắng thông qua một dự luật có mục đích tương tự, trong khi Anh thăm dò hoạt động kinh doanh các cửa hàng ứng dụng.

Đáp lại, rất nhiều nhà phát triển đứng lên ủng hộ chính sách. Vào năm 2019, Spotify, một dịch vụ phát nhạc trực tuyến, đã gửi đơn khiếu nại lên EU cáo buộc Apple không cho hãng để người dùng biết về lợi ích của việc đăng ký các ứng dụng bên ngoài. Vào tháng 3, EU phạt Apple 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) sau khi kết thúc cuộc điều tra. Epic Games, một nhà phát triển trò chơi điện tử, cũng kiện Apple và Alphabet vì lý do chống độc quyền.

“Apple đang chặn hoàn toàn tựa game ‘Fortnite’ khỏi 1 tỷ người dùng. Không có cách nào khác để tải ‘Fortnite’ trên iPhone của bạn và điều đó thật đáng trách. Đã đến lúc phải thay đổi. Các nhà sản xuất Apple, Google kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thiết bị của họ và không có lời giải thích nào cho việc cắt 30% từ các nhà phát hành”, founder Epics Game - chủ tựa game Fortnite cho biết.

Được biết trước đó, ông trùm trò chơi điện tử Tim Sweeney, CEO Epic Games, đã đánh bại gã khổng lồ Google trong phiên tòa cáo buộc vị thế độc quyền. Chiến thắng được cho là có thể khiến “cỗ máy in tiền” của Apple chịu thiệt hại. Đó là chưa kể đến những hiểm họa khác khi nhà Táo khuyết mất sự độc quyền truy cập tệp khách hơn 1 tỷ người dùng.

Năm ngoái Phil Spencer, ông chủ mảng game tại Microsoft, gọi DMA là “cơ hội lớn”. Ai cũng kỳ vọng vào sự bùng nổ, đổi mới cũng như độ thân thiện với trẻ em, nơi tất cả phần mềm đều được kiểm tra cẩn thận.

Theo: The Economist, WSJ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan