Cổ đông sợ chia cổ tức “bằng giấy”, Tổng Giám đốc Chứng khoán APS nói: “Giấy cũng là tiền, Apple 30 năm còn không chia giấy”
TGĐ APS cũng cho rằng nếu nhà đầu tư thấy APs bán API, IDJ cũng đừng nhìn vào đó mà thấy hoang mang.
Tại đại hội, APS thông qua kế hoạch tổng doanh thu đạt 860 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ nặng tới 449 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 90% kế hoạch lợi nhuận năm.
Số tiền thu về tối thiểu 500 tỷ đồng từ đợt chào bán sẽ được công ty cân đối sử dụng cho các mảng hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính - chứng khoán, cung ứng vốn cho hoạt động margin. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2023-2024.
Một nội dung khác cũng được đại hội APS thông qua là phương phát hành cổ phiếu ESOP để bổ sung vốn lưu động với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành trong 12 tháng. Theo đó, giá dự kiến phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp, thời gian chào bán vào năm 2023-2024 và hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
"Giấy là tiền, tiền cũng là giấy"
Tại phần thảo luận, cổ đông đề xuất ban lãnh đạo nên xem xét nâng mức cổ tức lên thêm, vì 10% là quá thấp. Mục đích quan trọng vẫn là tăng vốn, song nếu chỉ phát hành riêng lẻ thì cổ đông rất thiệt. Thêm vào đó, cổ đông cho rằng chia cổ tức bằng “giấy” (cổ tức cổ phiếu- pv) nhiều sẽ bị pha loãng.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc APS cho biết sự sụt giảm của chứng khoán trong năm 2022 khiến danh mục tự doanh giảm xuống, quỹ lợi nhuận đã thực hiện còn khoảng 280 tỷ đồng. Nói mức cổ tức 10% là thấp không sai, nhưng cũng tuỳ hoàn cảnh.
“Nếu bạn nói chia cổ phiếu là giấy thì tôi nghĩ giấy là tiền, tiền cũng là giấy. Apple 30 năm không chia cổ tức, thậm chí họ còn không chia “giấy”. Nhiều công ty lớn như Massan, Techcombank cũng rất hiếm khi chia cổ tức. Dù khó so sánh với các công ty lớn, song tôi cho rằng cổ phiếu nên dựa vào giá trên thị trường chứng khoán”, ông Lăng cho biết.
Cũng về vấn đề chia cổ tức, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT APS cho rằng công ty cũng muốn chia cổ tức trên 10% nhưng rất khó thực hiện, bởi APS đang cần nguồn vốn để đầu tư.
70% danh mục tự doanh là API và IDJ
Chia sẻ về danh mục tự doanh, ông Hưng cho biết 70% danh mục là các cổ phiếu trong tập đoàn, cụ thể là API và IDJ, ngoài ra APS cũng dành 30% danh mục để đầu tư có một số cổ phiếu tăng trưởng BCG, DBD,... Tới đây, công ty sẽ tích cực chốt lời để thực hiện hoá lợi nhuận cho việc đầu tư.
Trước câu hỏi APS biết tự doanh mỗi cổ phiếu công ty của mình, ông Lăng cho biết lợi nhuận năm 2021 đến chủ yếu từ mã CEO khi mua 13.000 đồng/cp và chốt lời tại vùng 80.000 đồng/cp. Do đó, vị lãnh đạo khẳng định APS biết đầu tư chứ không quanh quẩn một số mã cùng “họ”. Nguyên nhân nắm giữ lượng lớn cổ phiếu API, IDJ, bởi đơn giản ít thấy mã cổ phiếu nào tốt hơn. Đơn cử như hai cổ phiếu trên đều có KQKD tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh, vay nợ thấp.
Với danh mục APS hiện 70% nắm API và IDJ thì cho đến nay đã lãi 260 tỷ đồng, đến cuối năm dự lãi 400-500 tỷ đồng. Ông Lăng cho biết APS sẽ rút kinh nghiệm năm trước để bảo toàn thành quả một cách tốt nhất.
“Nếu nhà đầu tư thấy chúng tôi có bán API, IDJ cũng đừng nhìn vào đó mà thấy hoang mang. Đơn giản chỉ là tự thưởng niềm vui cho mình, bảo vệ thành quả cho cổ đông. Do đó, nếu giá hai cổ phiếu trên tăng lên mức độ nhất định, chúng tôi sẽ hiện thực hoá lợi nhuận”, ông Lăng cho biết.
Giá cổ phiếu biến động nhiều, ông Lăng cho biết bản thân không được phép khuyên bán hay giữ. Tuy nhiên giá cổ phiếu lên đủ kỳ vọng thì có thể “chốt lời” để tự thưởng thành quả. Chung thuỷ cũng tốt, nhưng việc hưởng thành quả cũng là niềm vui.
Ai cũng mong giá lên đỉnh mình bán, xuống đáy mình mua, nhưng thông thường mình sẽ làm ngược lại. Vì khi cổ phiếu lên cao, tâm lý nhà đầu tư thường kỳ vọng quá nên khó chốt lời. Do đó, ông Lăng cho rằng nhà đầu tư cần có quyết định sáng suốt, để bảo toàn thành quả của mình.
Định giá cổ phiếu APEC chưa phản ánh đúng giá trị thực
Về định giá các cổ phiếu trong nhóm APEC, ông Lăng cho rằng thị trường chưa định giá đúng giá trị thực. Hiện đang có nhiều quỹ lớn muốn đồng hành cùng APEC và khả năng cao những cổ phiếu này có cơ hội trở thành “hoa hậu” trong thời gian tới.
Mặt khác, giá cổ phiếu BĐS nhóm APEC hiện đã cao hơn so với các giá cổ phiếu các công ty BĐS hàng đầu tại Việt Nam. Trong tương lai, ông Lăng cho biết sẽ không ngạc nhiên khi giá cổ phiếu của mình tăng gấp đôi, gấp ba lần hiện tại.
Cũng bàn về định giá cổ phiếu, ông Phạm Duy Hưng cho rằng tiềm năng của các cổ phiếu còn rất lớn. TTCK đã qua giai đoạn xấu, chính sách hỗ trợ cho BDS, không vay nợ sẽ giúp giá cổ phiếu bất động sản hưởng lợi. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng nhà đầu tư cần kiên trì nắm giữ.
Về chiến lược trong 5 năm tới, ông Hưng cho biết Chứng khoán APS sẽ tiếp tục tập trung mảng tự doanh. Bởi với 20 năm đầu tư trên TTCK, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó trước những biến động của thị trường để trở thành định chế đầu tư, huy động nguồn vốn cho tập đoàn. Bên cạnh tập trung mảng tự doanh, công ty cũng sẽ đẩy mạnh mảng môi giới với những chiến lược riêng, không “đối đầu” trực tiếp với các CTCK có nguồn lực lớn.