Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang dần trở thành "viên ngọc dưới cằm con rồng" của FPT Retail?
Trong bối cảnh tình hình thị trường bán lẻ ICT chung giảm khoảng 24% trong 6 tháng đầu năm và công ty mẹ lỗ tới 318 tỷ đồng thì chuỗi nhà thuốc Long Châu đang là một điểm sáng trong hoạt động của FPT Retail.
Nguyên nhân FRT đưa ra là do cầu hàng hóa tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu vì điều kiện vĩ mô không thuận lợi: xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng,...
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các nhà bán lẻ cạnh tranh giá bán để giành thị phần.
Trên góc độ hợp nhất, doanh thu thuần của FRT trong quý II đạt 7.170 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%. Có được sự tăng trưởng này là nhờ đóng góp lớn từ chuỗi dược phẩm Long Châu, quý II/2023, chuỗi này tăng trưởng doanh thu tới 96% so với cùng kỳ, tốt hơn mức tăng trưởng quý I/2023 là 52%.
Trong 6 tháng đầu năm, Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý 2. Mặc dù mở mới dồn dập nhưng hiệu quả kinh doanh trên cửa hàng vẫn được duy trì với doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, đưa tổng doanh thu lũy kế 6 tháng lên 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.
Số lượng cửa hàng Long Châu đến hết tháng 6 đạt 1.243 cửa hàng, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FRT ghi nhận doanh thu đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó chuỗi Long Châu đóng góp tới 46% doanh thu hợp nhất.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng do ảnh hưởng từ mảng bán lẻ ICT quá lớn trong khi Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận, kết quả lợi nhuận hợp nhất bị ảnh hưởng nhiều bởi lợi nhuận sau thuế trên BCTC riêng và ghi nhận lỗ 198 tỷ đồng trước thuế (LN riêng lỗ 318 tỷ đồng trước thuế).
Bên cạnh Long Châu, FRT đã chính thức hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 hệ thống phân phối hàng hóa tại khu vực miền Nam với giá trị đầu tư khoảng 10 triệu USD, diện tích sử dụng khoảng 30.000 m2. Hệ thống được trang bị cơ sở vật chất, công nghệ tiên tiến, đáp ứng được nhiều điều kiện kỹ thuật, ngành nghề.
Trước đó, năm 2022, FRT cũng đã hoàn tất xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa giai đoạn 1 tại Hà Nội với diện tích sử dụng khoảng 10.000m2. Với quy mô hệ thống hiện tại đảm bảo vững chắc cho chiến lược phát triển bán lẻ của FRT trong các năm sắp tới.
Các số liệu phản ánh trên BCTC quý II của doanh nghiệp cũng cho thấy thực tế tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống nhà thuốc Long Châu và Logistic trong 6 tháng đầu năm.
Theo BC lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, tiền thực tế chi đầu tư mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác trong 6 tháng đầu năm của FRT đạt 368 tỷ đồng, tăng 164 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị TSCĐ hữu hình tăng thêm trong kỳ do mua sắm là 219 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở nhà cửa, vật kiến trúc 215 tỷ đồng, ngoài ra là một phần nhỏ nằm ở máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, dụng cụ, thiết bị quản lý,...
Giá trị còn lại của TSCĐ tại ngày cuối quý II tăng 18% so với đầu năm, đạt 798 tỷ đồng.
Ngoài đầu tư mới TSCĐ hữu hình, trong kỳ FRT cũng mua mới tài sản cố định vô hình trị giá hơn 13 tỷ đồng. Tại ngày cuối quý, giá trị TSCĐ vô hình còn lại đạt 180 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm đầu năm.