Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chứng Khoán Tiên Phong (ORS) có tân Tổng giám đốc

Bà Bùi Thị Thanh Trà được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE - Mã: ORS) từ ngày 26/07/2022. Trước đó, ông Trần Sơn Hải đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 23/7/2022 vì lý do cá nhân.

Việc bổ nhiệm nằm trong lộ trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững theo định hướng chiến lược của ORS trong thời gian tới.

Trước đó, ông Trần Sơn Hải đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 23/7/2022 vì lý do cá nhân. Ông Trần Sơn Hải sinh năm 1977, trình độ chuyên môn Tài chính ngân hàng. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT và giữ chức vụ Tổng giám đốc ORS từ ngày 4/10/2019.

Hình minh họa

Chứng Khoán Tiên Phong (ORS) có tân Tổng giám đốc. Hình minh họa

Được biết, ông Hải có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính lớn như Boston Asset Management, ngân hàng Standard Chartered Vietnam, Techcombank và TPBank.

Chỉ sau 2 năm tái cơ cấu với ông Trần Sơn Hải trong vai trò Tổng giám đốc, ORS đã gặt hái những thành công vượt bậc. Doanh thu và lợi nhuận của ORS tăng đều qua mỗi năm, trong đó doanh thu từ hoạt động IB chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của công ty.

Về tân Tổng giám đốc, bà Bùi Thị Thanh Trà, sinh năm 1976, bà Trà là nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Chứng khoán Tiên Phong, là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp như là Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc tại Tổng công ty Mía đường II - CTCP, CTCP Phát triển Nông nghiệp Bình Dương, CTCP Mía đường La Ngà…

Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng ORS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019) với vai trò là Giám đốc Khối Vận hành. Đến thời điểm được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của ORS, bà Trà đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách chung hoạt động của TPS; trước đó cũng có hơn một năm bà Trà phụ trách mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) của ORS với vai trò Giám đốc Khối.

Chỉ sau 2 năm tái cơ cấu, ORS đã gặt hái những thành công vượt bậc. Doanh thu và lợi nhuận của TPS tăng đều qua mỗi năm, trong đó doanh thu từ hoạt động IB chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của ORS.

Trong cơ cấu cổ đông của ORS, có thể dễ dàng thấy rằng cổ đông lớn nhất là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sở hữu hơn 9% trong vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của ORS – đây chính là sức mạnh “mũi nhọn”, tạo mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, tận dụng tốt thế mạnh của mỗi bên để cùng phát triển. Với lợi thế là thành viên của hệ sinh thái TPBank, ORS được tạo điều kiện để cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ chứng khoán trên nền tảng công nghệ số hiện đại hàng đầu; có lợi thế nguồn lực với hơn 6 triệu khách hàng, đồng thời tập trung mạnh vào lĩnh vực IB nhiều tiềm năng. Đây là thế mạnh mà không phải công ty chứng khoán nào cũng có được.

Đồng thời, từ năm 2019, 2/3 thành viên HĐQT của ORS là nhân sự cấp cao của TPBank, đó là ông Đỗ Anh Tú – Phó chủ tịch HĐQT TPBank nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ORS và bà Trương Thị Hoàng Lan – Phó tổng giám đốc TPBank nắm giữ chức vụ Thành viên độc lập HĐQT ORS.

Trên thị trường, bên cạnh việc là Phó chủ tịch HĐQT TPBank thì ông Tú cũng được biết đến với vai trò là Tổng giám đốc của Công ty CP Diana thuộc Tập đoàn Unicharm, Nhật Bản. Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, quản trị thương hiệu và marketing, công nghệ, ông Tú đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng và nâng cao vị thế thương hiệu của TPS trong những năm gần đây.

Bà Hoàng Lan là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán, từng giữ các vị trí quản lý cấp cao tại các ngân hàng, công ty chứng khoán. Bà Hoàng Lan hiện là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Đầu tư và Khách hàng doanh nghiệp lớn tại TPBank.

Trong nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, thanh khoản sụt giảm, nhóm các công ty chứng khoán đều bị tác động mạnh bởi yếu tố thị trường, nghiệp vụ tự doanh của các công ty chứng khoán đa phần đều ghi nhận lỗ do đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL. Dù vậy, ORS vẫn nỗ lực đạt mức doanh thu hoạt động là 1.473 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 118 tỷ đồng (giảm 57 tỷ so với cùng kỳ năm trước).

Nhìn chung, kết quả này là khá tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường hiện nay. Ngoài ra, một điểm sáng đáng đề cập đến nữa là số dư tiền gửi của ORS tại thời điểm cuối quý II/2022 là hơn 1.100 tỷ đồng, điều này cho thấy ORS đã sẵn sàng nguồn lực tài chính để triển khai các kế hoạch, phương án kinh doanh trong thời gian tới đây.

Đội ngũ lãnh đạo ORS, HĐQT và tân Tổng giám đốc thực sự quyết tâm, giữ vững định hướng phát triển bền vững và đã sẵn sàng các kế hoạch kinh doanh để đưa ORS trở thành một trong những ngôi sao sáng trên thị trường các công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Năm 2022, ORS lên kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện 2021. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, TPS hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và thực hiện 23,1% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tổng tài sản của Chứng khoán Tiên Phong cuối tháng 6/2022 gần 6.059 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền chiếm chủ yếu trong cơ cấu, với giá trị hơn 1.110 tỷ đồng, gấp 10,3 lần đầu năm.

Tài sản FVTPL đạt hơn 768 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 1.053 tỷ đồng so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2022, ORS đã mua thêm hàng loạt cổ phiếu như BCG, VND, HCM, HNG, NLG, PLX… nhưng hiện đều ghi nhận lỗ do thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục và kéo dài trong quý 2.

Dư nợ cho vay cuối quý 2 tăng 46% so với đầu năm, lên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 1.478 tỷ đồng, ứng trước tiền bán chứng khoán đạt hơn 96,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 7% và 59,3% so với đầu năm.

Quỳnh Nga

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...