Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 1: Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Động lực nội sinh cần được tiếp sức

Từ những cơ sở nhỏ lẻ, manh mún, đến nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau sự phát triển đó là không ít thách thức như thiếu vốn, hạn chế về công nghệ, quản trị và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu những rào cản cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm phát triển bền vững.

Nuôi dưỡng sự phục hồi và phát triển kinh tế

Trải qua gần 40 năm kể từ khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cả về quy mô lẫn chất lượng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ những cơ sở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ban đầu, đến nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trở thành lực lượng đông đảo, chiếm gần 98% trong tổng số hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước - một con số biết nói, phản ánh vai trò trụ cột của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ góp phần quan trọng vào việc tạo sinh kế bền vững cho hàng chục triệu lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn là "mạch máu" nuôi dưỡng tăng trưởng kinh tế, là lực lượng chủ công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, họ chính là những “người đi đầu” khai phá các thị trường ngách, nơi mà các doanh nghiệp lớn còn "bỏ trống", qua đó huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng nói, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, khi nền kinh tế đối mặt với thách thức toàn cầu, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kiên cường bám trụ, linh hoạt xoay chuyển để duy trì sản xuất - kinh doanh, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội và sự đồng hành với cộng đồng. Đây cũng là nơi khơi nguồn của nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, là “bệ phóng” giúp các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ sớm được đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Thông tin tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, bức tranh kinh tế năm 2024 tiếp tục ghi nhận dấu ấn rõ nét của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, GDP cả nước ước tăng 7,09%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng - nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,24%, đóng góp hơn 45% vào GDP.

Không chỉ bứt phá trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Năm 2024, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ đạt 7,38%, vượt mức tăng 6,9% của năm trước, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững của khu vực dịch vụ trong nước.

Đặc biệt, các ngành then chốt như bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi, tài chính - ngân hàng và bảo hiểm đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trong thành công đó, dấu ấn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là không thể phủ nhận, đây chính là những "mắt xích linh hoạt", phản ứng nhanh nhạy với thị trường, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị dịch vụ và hỗ trợ nền kinh tế tăng tốc.

Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - một lĩnh vực vốn được xem là "trụ đỡ truyền thống" - các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn giữ vững phong độ khi duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Giá trị tăng thêm năm 2024 đạt 3,27%, tiếp tục khẳng định vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc giữ vững an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - bền vững.

Không thể lớn nếu còn mắc kẹt trong vòng xoáy

Bên cạnh các kết quả tích cực kể trên, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn thách thức cùng nhiều rào cản, hạn chế để phát triển thực chất, bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng  Nguyễn Đức Tâm, hiện nay, xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ và đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững, dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội để tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Đáng chú ý, quy mô doanh nghiệp nhỏ, số vốn ít (trên 90% có quy mô dưới 10 tỷ đồng), công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao, chưa chuyên nghiệp, năng lực huy động và hấp thụ vốn thấp. Năm 2024 dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đạt gần 17,6%. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động manh mún, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất rất hạn chế.

Hơn nữa, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chỉ tập trung ở số ít doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia được vào hoạt động xuất khẩu và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Mặc dù chiếm trên 90% về số lượng doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất và xuất khẩu gián tiếp hoặc trực tiếp chỉ chiếm 8,2%. Liên kết giữa các các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI rất hạn chế, điều này làm cản trở quá trình chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước…

Trước những khó khăn hiện hữu trên, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kêu gọi các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng thiết thực, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Việc tháo gỡ rào cản về vốn, công nghệ, quản trị và thị trường sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

“Chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ đột phá, rõ ràng hơn để các doanh nghiệp thực sự lớn. Trong đó, có thể giảm thuế cho toàn bộ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ tái đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là việc cần làm để cụ thể hóa Khoản 1 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các họ có thêm nguồn lực để đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thân nêu rõ.


Nguồn:https://tapchitaichinh.vn/bai-1-doanh-nghiep-nho-va-vua-dong-luc-noi-sinh-can-duoc-tiep-suc.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...