Gia Lai: Thêm 117 dự án đầu tư mới, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,3%
Trong 6 tháng đầu năm, thu hút hút đầu tư và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai đều tăng khá ấn tượng với 117 dự án đầu tư mới, tổng vốn trên 57.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Gia Lai
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài chính Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2025 tỉnh Bình Định (cũ) đã thu hút 68 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 52.000 tỷ đồng, đạt 68% chỉ tiêu năm, tăng gấp 1,4 lần về số dự án so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong số này có 60 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 24.000 tỷ đồng và 8 dự án FDI có tổng vốn gần 27.000 tỷ đồng (tương đương 1,08 tỷ USD). Cơ cấu đầu tư được phân bổ đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng như: công nghiệp, xây dựng hạ tầng, thương mại – du lịch, nông – lâm – thủy sản và bất động sản đô thị.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai (cũ) cũng đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, tăng 83,3% so với cùng kỳ.
Để có được điều này, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, đồng thời tỉnh duy trì các buổi gặp gỡ, tọa đàm và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc quảng bá tiềm năng, các cơ quan chức năng đã tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng… giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi với thị trường.
Bên cạnh thu hút đầu tư, Chi cục Thống kê tỉnh Gia Lai cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 là 1,686 tỷ USD (đạt 65,84% kế hoạch năm và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Phần lớn các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2025. Trong đó, đối với tỉnh Bình Định cũ, hàng thủy sản tăng 22,9%; dệt may tăng 15,6%; sản phẩm gỗ tăng 5% và mặt hàng gỗ tăng 3,6%.
Đối với tỉnh Gia Lai (cũ), nhờ giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê tăng cao, nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 758 triệu USD, chiếm đến 96,7% kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước
Trong 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng đạt kết quả tích cực khi tỉnh Gia Lai (cũ) đạt 3.601 tỷ đồng (55,9%); Bình Định (cũ) đạt hơn 10.055 tỷ đồng (57,7%), tăng lần lượt 4% và 55% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng nhìn nhận, Gia Lai mới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông liên kết vùng, hạ tầng thủy lợi, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ.
Ngoài ra, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, các dự án động lực. Hệ thống quy hoạch còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông; tầm nhìn, giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển sau hợp nhất chưa được làm rõ…
Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng yêu cầu toàn hệ thống tăng cường thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, từ cơ chế, tổ chức, con người đến công nghệ. UBND tỉnh cần khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch tỉnh Gia Lai (mới) thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Ngoài ra, tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các công trình, dự án còn vướng mắc trên địa bàn hai tỉnh trước đây. Kể cả các dự án đầu tư công và dự án của các nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đã có chủ trương hoặc có trong quy hoạch, nhất là các công trình trọng điểm, động lực cho sự phát triển của tỉnh…