Dự án điện gió 7A và thủy điện Sông Tranh 4 bắt đầu phát điện thương mại
Ngay trong những ngày đầu tháng 9, những tua bin gió đầu tiên của dự án Nhà máy điện gió 7A và tổ máy đầu tiên của dự án Thủy điện Sông Tranh 4 thuộc Tập đoàn Hà Đô đã chính thức phát điện thương mại.
Theo đó, ngày 01/09/2021 vừa qua, tại Ninh Thuận, dự án Nhà máy điện gió 7A đã hoàn thành đóng điện và phát điện thương mại 3 tuabin gió đầu tiên với tổng công suất 12,6MW. Nhà máy điện gió 7A là 1 trong 3 nhà máy điện gió về đích đầu tiên trên tổng cộng 106 nhà máy điện gió đăng ký công nhận ngày vận hành thương mại trước 31/10/2021. Các tuabin còn lại hiện đang được gấp rút hoàn thành thí nghiệm, chạy thử để đóng điện COD trong tháng 9.
3 tua bin của dự án nhà máy điện gió 7A đã phát điện thương mại |
Trong khi đó một dự án trọng điểm khác của Tập đoàn Hà Đô trong lĩnh vực năng lượng là dự án Thủy điện Sông Tranh 4 cũng đã chính thức phát điện thương mại tổ máy đầu tiên với công suất 24 MW vào ngày 4/9/2021 vừa qua. Hiện tổ máy số 2 của Thủy điện Sông Tranh đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục phát điện, dự kiến cũng sẽ phát điện thương mại trong tháng 9, đóng góp sản lượng điện khoảng 180 triệu kWh/năm.
Ngoài 2 dự án kể trên thì dự án thủy điện Đăk Mi 2 của Tập đoàn Hà Đô cũng đã sẵn sàng phát điện trong tháng 9/2021. Hiện dự án này đã lắp đặt hoàn chỉnh 2 Rotor tổ máy số 1 và số 2. Riêng Rotor tổ máy số 3 cũng đang được tập hợp các thiết bị, chuẩn bị cho công tác lắp đặt hoàn thiện. Theo kế hoạch dự án bắt đầu tích nước từ ngày 10/9 và dự kiến phát điện thương mại tổ máy số 1 trong tháng 9.
Chia sẻ về những khó khăn mà các dự án phải vượt qua trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ nên công tác vận chuyển thiết bị, vật tư đặc biệt là các thiết bị siêu trường, siêu trọng như tua bin gió gặp rất nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều địa phương ông Nguyễn Trọng Minh – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô cho biết: Do thi công trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 nên ngay từ đầu tháng 7 toàn bộ đội ngũ cán bộ, công nhân, kỹ sư và chuyên gia làm việc trên công trường đều ở lại công trường và hạn chế ra khỏi khu vực dự án. Thực hiện các giải pháp như 3 tại chỗ, 1 cung đường hai điểm đến cho tất cả các lực lượng tham gia dự án. Đồng thời, Tập đoàn cũng làm việc với chính quyền địa phương để tiến hành tiêm vắc xin và xét nghiệm định kỳ cho các cán bộ, công nhân viên của nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư cũng như quản lý chặt người ra vào dự án cùng với đó là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế.”
Thủy điện Đăk Mi 2 bắt đầu tích nước |
“Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn như việc phối hợp, làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trong quá trình nghiệm thu, hoàn thiện các thủ tục pháp lý bị hạn chế do dịch bệnh, vướng mắc công tác cung ứng vật tư, vận chuyển thiết bị và nhân lực do các tỉnh hạn chế di chuyển. Trước tình hình trên, Tập đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo đầy đủ các giấy tờ, thủ tục để công tác vận chuyển thiết bị, vật tư được lưu thông kịp thời”, ông Nguyễn Trọng Minh chia sẻ.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng với 3 tua bin của dự án Nhà máy điện gió 7A thì tính đến cuối tháng 8/2021, cả nước đã có 24 nhà máy diện gió với tổng công suất 963 MW đã vào vận hành thương mại. Đồng thời có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Trong năm 2021, Tập đoàn Hà Đô quyết tâm đưa vào vận hành thương mại các dự án: Thủy điện là Sông Tranh 4 (48MW), Đăk Mi 2 (147MW) và dự án điện gió (7A) với công suất 50MW, nâng tổng công suất phát điện lên gần 500MW, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng tổng công suất phát điện lên 1GW của Tập đoàn vào năm 2025, trong đó các dự án tập trung chủ yếu vào năng lượng gió và mặt trời. |